Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện diệu kỳ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng và nhân dân ta, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Nhắc đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không thể không nhắc tới Quốc dân Đại hội Tân Trào, đại hội do Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp với 60 đại biểu ba miền Bắc - Trung - Nam trước vận mệnh có tính chất lịch sử trọng đại của nước nhà. Sự kiện quan trọng này đã được tổ chức vào ngày 16 và 17-8-1945 tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Từ đây, lệnh Tổng khởi nghĩa đã được phát đi toàn quốc để đấu tranh giành lại chính quyền. Quốc dân Đại hội Tân Trào mang tầm vóc lịch sử như “Hội nghị Diên Hồng” của cách mạng. Tại đây, cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã thông qua, thực hiện kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thăm hỏi ông Vũ Oanh nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, chúng tôi đã có dịp đến thăm ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khóa 6, nguyên Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào. Ở tuổi ngoài 90, ông Vũ Oanh vẫn còn nhớ như in không khí của 70 năm về trước. Ông chậm rãi kể cho chúng tôi nghe hồi ức về những ngày Cách mạng Tháng Tám. Khi đó, Đảng chưa ra công khai lãnh đạo, mới chỉ có 5.000 đảng viên nhưng thông qua Mặt trận Việt Minh đã tập hợp trên 20 triệu đồng bào làm cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử. “Tôi tham gia cách mạng từ sớm, trong quá trình hoạt động đều thực hiện tốt các nhiệm vụ. Vì thế Xứ ủy Hà Nội bấy giờ cử tôi làm Trưởng đoàn đại biểu cách mạng của nhân dân Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào. Không bao giờ có thể quên không khí của chuyến đi ấy”, ông Vũ Oanh xúc động nhớ lại. Đi từ Hà Nội qua sông Đuống (Bắc Ninh), dọc đường đi qua các căn cứ cách mạng đều nhận thấy không khí rất phấn khởi. Bà con đều thể hiện tinh thần rất oai hùng, kể cả những chị phụ nữ. Ở Tân Trào, trong lúc chờ đợi đại hội khai mạc, ông Vũ Oanh đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Ở Hà Nội, chúng tôi hoạt động trong vòng vây của địch. Khi được đến với căn cứ địa cách mạng ở Tân Trào, anh em Hà Nội phấn khởi lắm. Cùng lúc được gặp nhiều đại biểu, được phát biểu chia sẻ về tình hình của đồng bào Hà Nội, lại được Bác Hồ động viên nên chúng tôi rất xúc động, ông Vũ Oanh hồi tưởng. Đặc biệt, Hà Nội là thủ đô cả nước nên khi Hà Nội nổi dậy cướp chính quyền thì ngày 19-8 là một dấu mốc đặc biệt. Vị lão thành cách mạng hào hứng kể với chúng tôi: “Tôi tự hào là một trong những người chuẩn bị cho việc nổi dậy đó của Hà Nội. Phong trào cách mạng Hà Nội nổi dậy cướp chính quyền từ tay sai của Nhật rất sôi nổi. Cái hay của chúng ta là không đánh nhau với Nhật, mà đánh nhau với tay sai của Nhật. Đó là sự sáng tạo của Hà Nội, nhờ vậy mà nhanh chóng cướp được chính quyền”.
70 năm đã qua, nhưng ông Vũ Oanh vẫn nhớ vẹn nguyên những hình ảnh của Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Đại hội do Hồ Chủ tịch chủ tọa, chỉ 2 ngày trước khi Tổng khởi nghĩa tháng 8 diễn ra. “Ở đó, người ta thấy đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, đại biểu ba miền Bắc, Trung, Nam và đại biểu Việt kiều. Quốc dân Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa do Bác Hồ làm Chủ tịch”, ông Vũ Oanh kể lại. Trong hồi ức của ông Vũ Oanh, Đại hội quốc dân Tân Trào là biểu hiện của khối đại đoàn kết dân tộc để giành thắng lợi. Không chỉ có đại diện của những nơi có phong trào cách mạng trong nước, mà cả bà con Việt kiều cũng về tham dự. Bác Hồ đã quy tụ được rất nhiều thành phần. Khẩu hiệu của đại hội là “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”. Lúc đó, chủ trương của Đảng, Bác Hồ là làm thế nào quy tụ càng nhiều tầng lớp càng tốt. Theo ông Vũ Oanh, đây là đại hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc, có tư cách pháp nhân, lập ra Chính phủ lâm thời. Đây là điều mà sau đó, quân đồng minh không thể ngờ Việt Nam đã sớm có Chính phủ, có Chủ tịch nước là Bác Hồ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Oanh khẳng định, nếu không có Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì không thể có Quốc khánh 2-9. Bài học quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Tám chính là đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi. Có dân mới có tất cả. Bài học đó còn nguyên giá trị đến hôm nay. “Dù ở thời điểm nào thì cũng phải sát dân, khéo tổ chức sức dân để dân làm chủ đất nước, dân làm cách mạng, đẩy cách mạng tiến lên”, ông Vũ Oanh nhấn mạnh.
LÂM NGUYÊN