Trong Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), diễn ra vào ngày 23-4 tại thủ đô Washington, các nước đã không thể tìm được tiếng nói chung trong việc đánh thuế ngân hàng. Đề xuất đánh thuế các ngân hàng của IMF, nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Pháp, Anh nhưng lại vấp phải sự phản ứng gay gắt của các thành viên còn lại trong G-20.
Theo đề xuất, sẽ đánh thuế đối với các khoản nợ phải trả không thuộc tiền gửi hoặc các khoản lợi nhuận và tiền lương thưởng trong các công ty tài chính. IMF cũng như Mỹ, Đức, Pháp, Anh muốn các công ty phải trả những gói cứu trợ mà chính phủ các nước đã chi ra trong suốt cuộc khủng hoảng.
Nhưng các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G-20 đã yêu cầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cân nhắc áp dụng các mức thuế này, vì cuộc khủng hoảng chỉ bắt nguồn từ các ngân hàng Mỹ. Mỗi quốc gia trong G-20 đều có những thể chế tài chính khác nhau nên không thể áp dụng việc đánh thuế ngân hàng cho tất cả các thành viên.
Cùng ngày, IMF đã tuyên bố sẵn sàng gói cứu trợ cho Hy Lạp sau khi nước này chính thức đề nghị khoản vay khẩn cấp nhằm giúp vượt qua cuộc khủng hoảng nợ hiện nay. Đây là lần đầu tiên tổ chức tín dụng quốc tế này viện trợ cho một nước thành viên khu vực đồng EUR kể từ khi khu vực này ra đời cách đây hơn một thập kỷ.
Theo đó, IMF sẽ hỗ trợ Hy Lạp 15 tỷ EUR, tương đương 1/3 gói cứu trợ phối hợp trị giá 45 tỷ EUR đã nhất trí giữa khu vực đồng EUR và IMF. Hy Lạp sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi, thấp hơn nhiều so với các khoản vay thông thường mà IMF cấp cho các nước nền kinh tế khác.
N.Phương