“Để giải quyết căn cơ những vấn đề bức xúc của người dân về ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính… cần có sự đồng lòng, đồng sức và đồng bộ của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM” - đó là tư tưởng chủ đạo trong các phát biểu tại Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 3 khai mạc vào sáng 1-3 dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Hội nghị lần này tập trung bàn chương trình hành động của Thành ủy TPHCM trong 5 năm tới và một số năm tiếp theo để thực hiện 6 chương trình mang tính đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2010-2015 đã đề ra.
Hạn chế xe máy, phát triển xe buýt
Hiện nay, TPHCM có gần 5 triệu xe hơi và xe gắn máy với mỗi năm tăng thêm 10% mà không có giải pháp kiềm chế nữa thì kẹt xe còn dài dài - nỗi ám ảnh khá nặng nề của người dân mỗi khi ra đường.
Tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 3, nhiều ý kiến bàn nhiều giải pháp căn cơ, trong đó nổi lên giải pháp hạn chế xe cá nhân, phát triển xe buýt. Các đại biểu đồng tình việc tổ chức giao thông theo hướng hạn chế sử dụng xe cá nhân, tổ chức các tuyến đường dành cho người đi xe đạp, phố đi bộ; thu phí sử dụng xe cá nhân và thu phí đậu xe theo hướng giảm dần từ trung tâm TP ra vùng ven; thu phí điện tử với xe hơi đi lại ở khu trung tâm…
Bên cạnh quản lý và sắp xếp taxi, TPHCM phát triển thị trường vận tải hành khách công cộng (hiện mới đáp ứng 7% nhu cầu đi lại - khoảng 1,5 triệu lượt khách/ngày) như mô hình được nhiều nước đang áp dụng: Nhà nước đấu thầu mua dịch vụ của các đơn vị cung ứng lại dịch vụ vận tải và bán lại cho người sử dụng, đi đôi với bảo trợ giá vé xe người nghèo.
Mặt khác, TP nhanh chóng xây dựng và di dời các bến xe liên tỉnh miền Đông, miền Tây… ra các bến mới theo quy định; tổng kết thí điểm dùng thẻ thông minh trên tuyến xe buýt số 1 và 27, tiến tới áp dụng đại trà vào năm 2013 cùng với nhiều giải pháp khác đã và đang triển khai.
“Hơi mưa đã ngập, ngập ít thành ngập nhiều, vừa hết ngập lại tái ngập” là phản ánh của đại biểu về tình trạng ngập nước do mưa và triều cường gây ra ở TPHCM. Nguyên nhân chủ quan được nhấn mạnh tại hội nghị chính là tiến độ thi công dự án thoát nước còn chậm, chưa kết nối đồng bộ, lấn chiếm kênh rạch, hệ thống đê bao ngăn triều đầu tư chưa căn cơ…
Nhiều đại biểu nhận định, TP nhất thiết ưu tiên nguồn vốn ODA để phát triển hệ thống thoát nước, thu gom nước thải, các hồ điều tiết, đê bao, cống kiểm soát triều, đồng thời huy động nguồn vốn các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải; có lộ trình tăng phí thoát nước.
Bên cạnh đó, các đại biểu thống nhất việc xây mới hệ thống thoát nước tại 5 lưu vực ngoại vi và các khu đô thị mới, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm kênh rạch; sớm có quy hoạch bù đắp diện tích mặt nước bị lấn chiếm và ngăn chặn việc gia tăng hệ số chảy tràn…
Các giải pháp phải đạt được mục tiêu cuối nhiệm kỳ giải quyết cơ bản ngập nước do mưa và triều cường tại khu vực trung tâm, xóa các điểm ngập hiện hữu, giảm ngập ở khu vực Bắc Tàu Hủ, Tân Hóa - Lò Gốm (quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần quận 5, 8, Bình Thạnh).
Tạo chuyển biến về chất lượng nguồn nhân lực
Nhấn mạnh ngay trước chương trình hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua khẳng định: TPHCM có một vị trí chiến lược quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Vì thế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM. Để đạt được mục tiêu này, TP đưa ra 6 chương trình bộ phận về nâng cao chất lượng giáo dục, tay nghề, đội ngũ doanh nhân, nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế, nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị...
Trước mắt, để có đủ kinh phí thực hiện các mục tiêu, nâng chất các trường dạy nghề, TP phải đẩy mạnh xã hội hóa để huy động vốn từ trong, ngoài nước. Ngoài ra, TP cần xây dựng một đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề có trình độ chuyên môn cao, được huy động từ nhiều nguồn khác nhau.
Một giải pháp quan trọng trong công tác đào tạo nhân lực là phải tăng cường hợp tác, liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trung tâm dạy nghề với các đơn vị sản xuất, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn TP nhằm nâng dần tính tương thích giữa đào tạo và sử dụng lao động. Từ cơ sở này, TP sẽ đưa ra dự báo về nhu cầu nhân lực cho từng giai đoạn.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị, TP đặt ra yêu cầu: 100% cán bộ đương nhiệm, dự bị các chức danh lãnh đạo, quản lý phải đạt trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn và vị trí việc làm; 100% CBCC-VC các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đạt trình độ ĐH chuyên ngành, chuyên môn phù hợp công việc đang làm, 100% cán bộ chủ chốt phường - xã dưới 50 tuổi phải có trình độ ĐH chuyên ngành. Góp ý tại hội trường, các đại biểu đề nghị TP đồng tình giải pháp xác định cụ thể chương trình đào tạo theo công việc; đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm; gắn đào tạo, bồi dưỡng với bố trí sử dụng.
Nền hành chính - Công khai, minh bạch
Cũng như chương trình nguồn nhân lực, cải cách hành chính cũng là lĩnh vực được nhiều đại biểu mổ xẻ. Trên thực tế, dù quyết liệt cải cách hành chính nhưng tình trạng nhũng nhiễu, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận CBCC, thủ tục hành chính rườm rà, nhất là các thủ tục liên quan đến ngành đầu tư xây dựng, thẩm định, phê duyệt thiết kế cơ sở, quy hoạch chi tiết, thỏa thuận quy hoạch kiến trúc, điều chỉnh dự án đầu tư... vẫn còn xuất hiện ở một số đơn vị.
Các ý kiến đóng góp của đại biểu “gặp nhau” ở cùng một tiêu chí: nền hành chính của TP phải công khai, minh bạch nhất để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, các đơn vị phải công khai, hướng dẫn rõ ràng và thường xuyên cập nhật thông tin thủ tục hành chính những lĩnh vực nóng giúp người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Bên cạnh đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể tùy tiện đặt ra các thủ tục trái luật, trái thẩm quyền, gây khó cho dân. Về giải pháp lâu dài, nhiều đại biểu đề nghị UBND TP tiếp tục kiến nghị trung ương cho phép TP thực hiện thí điểm sắp xếp một số cơ quan chuyên môn theo ngành dọc, nhất là trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị để quản lý thống nhất, đồng bộ theo mô hình chính quyền đô thị.
Tuấn Sơn – Hồng Hiệp