Ngày 21-12 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) và Hội đồng tối cao Liên minh kinh tế Á - Âu (SEEC) diễn ra tại thủ đô Mátxcơva, Nga. Bên cạnh việc thảo luận về vị trí Tổng thư ký CSTO, hợp tác chống khủng bố, tình hình Ukraine và quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ… cũng được các bên đưa ra bàn thảo.
Nga kêu gọi các nước phối hợp
Hội nghị đã thống nhất kéo dài nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thư ký CSTO Nikolay Bordyuzha đến ngày 1-1-2017. Tuy nhiên, một vấn đề nóng được nhiều người quan tâm trong hội nghị lần này đó là CSTO thông qua tuyên bố chung về tăng cường hợp tác chống khủng bố. Theo đó, các nhà lãnh đạo CSTO coi việc chống IS là ưu tiên hàng đầu bởi tổ chức khủng bố này là mối đe dọa cho toàn nhân loại. “Chúng tôi nhận thấy đe dọa an ninh tại khu vực Trung Á liên quan đến các hoạt động của IS, Taliban, al-Qaeda và các tổ chức khủng bố khác trên lãnh thổ Afghanistan đang ngày một gia tăng, dẫn tới leo thang căng thẳng ở khu vực biên giới phía Nam của CSTO, đe dọa trực tiếp, gây mất ổn định trong khu vực”, tuyên bố nêu. Ngoài ra, tuyên bố chung cũng kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện theo đúng tinh thần của nghị quyết chống khủng bố của HĐBA LHQ và Đại hội đồng LHQ. Đồng thời thành lập một liên minh rộng rãi trên cơ sở Hiến chương LHQ, theo các tiêu chí và nguyên tắc của luật pháp quốc tế và không chính trị hóa.
Binh sĩ CSTO tập trận chống khủng bố
Đây là bước đi cụ thể hóa nhận thức chung về mối nguy khủng bố đối với CSTO đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập trong hội nghị của CSTO hồi tháng 9 vừa qua. Cụ thể, Nga cho rằng tình hình tại Syria, Iraq nói riêng và khu vực Trung Đông nói chung rất nghiêm trọng khi IS đang kiểm soát một phần lãnh thổ lớn tại khu vực bất ổn này. Tổng thống Putin cho biết IS đã tác động tư tưởng và huấn luyện chiến đấu cho các đối tượng của nhiều nước bao gồm cả Nga và các nước châu Âu. Ông Putin quan ngại các phần tử cực đoan đó sẽ trở về nước tiến hành tấn công khủng bố. Do đó, để chống lại mối đe dọa này, theo Tổng thống Putin, cộng đồng quốc tế cần nỗ lực chung.
Hồi tháng 5-2015, lực lượng phản ứng nhanh của CSTO đã tiến hành tập trận lớn với mục tiêu hoàn thiện khả năng chỉ huy, tác chiến trong việc đối phó với khủng bố tại các vùng núi.
Căng thẳng Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ
Hội nghị diễn ra trong lúc tình hình Ukraine vẫn chưa có nhiều chuyển biến, bên cạnh đó quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ đang rất căng thẳng. Tại Ukraine, mặc dù theo thỏa thuận Minsk ký kết hồi 1-9-2015 về việc quân đội Chính phủ Ukraine và phe đòi độc lập ở miền Đông Ukraine phải ngừng bắn, lực lượng vũ trang của Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng cho biết, các cuộc giao tranh vẫn diễn ra trong vài tháng qua.
Trong khi đó, vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24M của Nga hôm 24-11 đã làm xói mòn nghiêm trọng quan hệ 2 nước. Mới đây, trong cuộc trả lời báo chí nhân dịp cuối năm 2015, Tổng thống Nga Putin đã cho biết ông không thấy nhiều triển vọng trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ông Putin đã cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nhận những hậu quả nghiêm trọng từ vụ tấn công mà Tổng thống Nga gọi là “đâm lén sau lưng”.
Bên lề hội nghị lần này, Tổng thống Nga Putin gặp Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev và người đồng cấp Kyrgyzstan Almazbek Atambayev. Nội dung thảo luận là các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có tình hình Syria. Theo thống kê mới đây của LHQ. Cuộc xung đột tại Syria từ năm 2011 đến nay đã cướp đi mạng sống của hơn 200.000 người và khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Syria hiện đang bị đe dọa bởi hiểm họa IS. Nga hiện đang tiến hành các cuộc không kích tại Syria để tiêu diệt IS và ước tính đã sử dụng hơn 4.000 tên lửa, bom kể từ ngày 30-9 vừa qua.
Còn tại cuộc họp của SEEC, Nga gợi ý đưa ra “các giải pháp bảo vệ chung” trong bối cảnh khu vực thương mại tự do Ukraine và Liên minh châu Âu dự kiến được thành lập vào cuối tháng 12 này.
CSTO gồm 6 nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan. Trong khi đó, SEEC là cơ quan tối cao của Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU). EEU là thị trường có hơn 180 triệu dân được thành lập vào tháng 5-2015 bao gồm các nước Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)