Hội Nhà văn TPHCM truy tặng giải Cống hiến cho nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Ngày 4-1, Hội Nhà văn TPHCM đã tổ chức chương trình tưởng nhớ một năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Đặc biệt, nhằm ghi nhận tài năng và những đóng góp của ông với văn chương, Hội đã trao giải thưởng Cống hiến năm 2022 cho cố nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm.

Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh năm 1940 tại xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội). Sau một thời gian dài kiên cường chống lại căn bệnh hiểm nghèo, vào ngày 14-1-2022, ông đã qua đời ở tuổi 82. Trước năm 1975, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm dạy học ở huyện Gia Lâm, sau ngày đất nước thống nhất, ông chuyển vào TPHCM sống và làm việc. Từ năm 1993, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng nhận giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM với tập thơ Minh triết đất đai năm 2015...

Một số tác phẩm của cố nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Một số tác phẩm của cố nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm có gần 30 tác phẩm đã và đang chờ xuất bản. Trong đó, ông có nhiều tập thơ ấn tượng như: Người thám hiểm thời gian, Thương nhớ tài hoa, Hoài nghi và tin cậy, Văn đàn bi tráng, Sương hồ Tây mây Tháp Bút, Minh triết đất đai, Hoàng Sa, Phản biện đường chân trời... Đặc biệt, công trình Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam do ông biên soạn, (tái bản lần 4, năm 2013 dày 1.300 trang với chừng 6.000 câu thơ của 1.300 tác giả), cũng trở thành cẩm nang quý giá cho những người yêu thơ.

Đại diện gia đình cố nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm nhận giải Cống hiến của Hội Nhà văn TPHCM

Đại diện gia đình cố nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm nhận giải Cống hiến của Hội Nhà văn TPHCM

Ngoài thơ ca, ông còn sáng tác tiểu thuyết và đã có những thành công nhất định. Bên cạnh tiểu thuyết Bắc Cung hoàng hậu viết về Lê Ngọc Hân, con gái của vua Lê Hiển Tông và Chiêu Nghi hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã dành 10 năm cuối đời để hoàn thành hai tiểu thuyết công phu, gồm: Thiên tài tự hủy với nguyên mẫu thi sĩ Bùi Giáng và Người tài hoa khờ dại với nguyên mẫu nhà thơ Thanh Tùng.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã ra đi, nhưng tác phẩm và tinh thần sáng tạo của ông vẫn là câu chuyện tiếp tục được nhắc nhở với đồng nghiệp và công chúng

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã ra đi, nhưng tác phẩm và tinh thần sáng tạo của ông vẫn là câu chuyện tiếp tục được nhắc nhở với đồng nghiệp và công chúng

Các nhà văn nhà thơ có mặt tại chương trình như Bích Ngân, Trần Quốc Toàn, Đặng Nguyệt Anh, Đoàn Minh Tuấn, Lê Thiếu Nhơn, Minh Đan… đã bày tỏ sự cảm phục đối với nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm. Trong mắt đồng nghiệp, ông là tấm gương đầy đam mê và nhiệt huyết với văn chương. Nhất là trong những năm cuối đời, dù đang mang trọng bệnh, ông vẫn dồn hết tâm lực vào trang viết của mình một cách say mê và đầy trách nhiệm, viết đến hơi thở cuối cùng.

Theo nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, tận tụy trên con đường sáng tạo, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không chỉ viết cho mình mà còn khao khát san sẻ niềm vui viết lách cùng các đồng nghiệp. Ông chắt chiu những sở học và những tâm đắc để viết hai tập tiểu luận Đi tìm mật mã thơTiếp cận mật mã thơ. “Hai tác phẩm nghiên cứu phê bình của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều người làm thơ trên hành trình giải mã cái hay cái đẹp thi ca”, nhà văn Bích Ngân nhận định.

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh kể về những ngày cuối đời của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh kể về những ngày cuối đời của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm

Nhà thơ Đặng Nguyệt Anh, là đồng nghiệp cũng là hàng xóm của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm, cho rằng, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm là một con người tài hoa, đức độ, trước sau như một. Đặc biệt, khi ông bị bệnh hiểm nghèo, một căn bệnh mà y học vẫn còn chịu thua, với người bình thường sẽ đau đớn, rên rỉ nhưng ông chưa bao giờ biểu lộ sự đau đớn cũng như oán thán. “Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, hình ảnh mà nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm để lại trong mắt tôi và nhiều đồng nghiệp khác là ý chí kiên cường, bất khuất, ông tận dụng từng giây từng phút trên giường bệnh để đọc và viết”, nhà thơ Đặng Nguyệt Anh chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục