Hôm nay 9-7: Thi đại học đợt 2

Hôm nay 9-7: Thi đại học đợt 2

* Khu vực TPHCM: Hàng ngàn hồ sơ sai sót

Sáng nay 9-7, thí sinh dự thi đại học đợt 2 trên cả nước bước vào ngày thi đầu tiên. Trước đó, ngày 8-7, các thí sinh đến điểm thi làm thủ tục cho đợt 2 kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2014.

Tránh “chết oan”

Theo Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), đợt thi thứ 2 có trên 739.000 thí sinh đăng ký dự thi các khối B, C, D và một số khối năng khiếu. Toàn quốc có 939 điểm thi với 22.109 phòng thi; huy động đội ngũ cán bộ tham gia công tác thi là 65.135 người. Trong đợt này, 15.985 sinh viên tình nguyện được huy động tiếp sức mùa thi, 28.204 phòng trọ miễn phí và 28.461 suất ăn miễn phí dành cho thí sinh và người nhà.

 

"Bộ đổi mới ra đề thi theo hướng mở, giúp các em phát huy năng lực tư duy tốt, phát huy được sở trường của thí sinh. Vì thế thí sinh không phải lo lắng. Những đổi mới đó sẽ tạo điều kiện cho các em làm bài tốt hơn, có điều kiện trúng tuyển hơn. Các em cần cố gắng vận dụng kiến thức đã học, hiểu biết cuộc sống về vấn đề xã hội quan tâm, không cần quá nhớ máy móc, học thuộc lòng như trước đây. Đề thi sẽ có 2 phần, một phần kiểm tra những kiến thức cơ bản của học sinh, phần khác nâng cao để phân loại thí sinh"

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT BÙI VĂN GA

 

Trong ngày làm thủ tục dự thi 8-7, các thí sinh nhận phòng thi, nhận thẻ dự thi, sửa chữa những sai sót trong hồ sơ dự thi, nghe phổ biến quy chế thi. Khác với đợt thứ 1, đợt thi thứ 2 này có nhiều khối thi và môn thi, đặc biệt là các môn thi tự luận xã hội (Văn, Sử, Địa). Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về thi ĐH-CĐ 2014, đã lưu ý các hội đồng thi cần nhắc nhở giám thị đặc biệt quan tâm đến lịch các môn thi; đề phòng việc mở nhầm đề thi cũng như giám sát các hành vi gian lận trong thi cử. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng nhắn nhủ thí sinh, việc đổi mới cách ra đề thi sẽ tiếp tục thực hiện theo hướng kiểm tra năng lực, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng hay nhớ một cách máy móc. Do đó, việc mang tài liệu vào phòng thi sẽ không giúp ích được gì, nhưng thí sinh vẫn bị xử lý nặng nếu phát hiện.

Ghi nhận của phóng viên tại các hội đồng thi Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học KHXH-NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho thấy, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục dự thi khá cao; số thí sinh phải chỉnh sửa sai sót không nhiều. Các giám thị đã tập trung phổ biến quy chế thi cho thí sinh, nhắc nhở nhiều lần các em đến phòng thi đúng giờ, tuyệt đối không mang tài liệu, điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng thi…

Thí sinh đến chỉnh sửa giấy báo thi tại Trường ĐH KHXH và NV TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Thí sinh đến chỉnh sửa giấy báo thi tại Trường ĐH KHXH và NV TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Kinh nghiệm từ đợt thi thứ 1 cho thấy, cả đợt thi có 73 thí sinh bị xử lý kỷ luật, trong đó chủ yếu do mang ĐTDĐ vào phòng thi. Đa phần thí sinh mang ĐTDĐ vào phòng thi không phải vì mục đích gian lận, vì thế đã “chết oan” khi ngay lập tức bị đình chỉ thi. Vì vậy, đây là điều các giám thị đã đặc biệt lưu ý thí sinh trong ngày làm thủ tục 8-7.

TPHCM: Hàng ngàn thí sinh bị sai đối tượng, khu vực ưu tiên

Ngày 8-7, cụm thi TPHCM có hơn 205.000 thí sinh đăng ký dự thi vào 36 trường đã đến 194 điểm thi để làm thủ tục dự thi. Thực hiện theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, những sai sót về đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên nếu thí sinh không kịp mang theo những giấy tờ minh chứng như hộ khẩu, giấy khai sinh… thì thí sinh có thể bổ sung sau khi thi và các trường vẫn giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

Đáng nói nhất là trong sáng hôm qua (8-7), tình trạng chỉnh sửa sai sót trên giấy báo dự thi khá nhiều so với đợt thi đầu tiên, có trường đã thống kê cả ngàn hồ sơ phải chỉnh sửa. Theo PGS-TS Đặng Văn Tịnh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TPHCM: “Thống kê cho thấy trường có khoảng 1.000 hồ sơ của thí sinh thuộc đối tượng và khu vực 1 trong tổng số hơn 22.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường. Do đó, trường sẽ tập trung chỉnh sửa cho khoảng 1.000 thí sinh thuộc khu vực 1 trên tinh thần đảm bảo quyền lợi ưu tiên cho thí sinh theo đúng quy chế tuyển sinh. Những sai sót được chỉnh sửa trực tiếp tại các điểm thi”.

TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết: “Trong ngày làm thủ tục dự thi, trường cũng chỉnh sửa khoảng vài chục trường hợp thí sinh bị sai đối tượng và khu vực ưu tiên. Ngoài ra, nhiều trường hợp khác yêu cầu chỉnh sửa nhưng sau khi tra cứu, trường đã hoàn trả lại giấy báo dự thi cho thí sinh vì không đúng theo quy định”.

Tại các trường như ĐH KHXH-NV (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sài Gòn, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, các chỉnh sửa sai sót trên giấy báo dự thi cũng tập trung nhiều ở đối tượng và ưu tiên khu vực.

* Ngày 8-7, thí sinh Nguyễn Thị Nhung quê ở Quốc Oai (Hà Nội) phải tiêm thuốc giảm đau để đi làm thủ tục dự thi vào khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội. Nhung xuất hiện tại điểm thi với khuôn mặt thương tích. Trước đó, ngày 30-6, trên đường đi học về em gặp tai nạn giao thông, bất tỉnh tại chỗ sau đó phải điều trị ở bệnh viện với 2 vết khâu trên mặt và bầm tím khắp người. Vì phải nằm viện 3 ngày nên Nhung đã phải bỏ kỳ thi đại học đợt 1 vào ĐH Lâm nghiệp.

* Sáng 8-7, anh Lê Thanh Sơn, Bí thư Đoàn trường Đại học Cần Thơ, cho biết: Hiện hệ thống ký túc xá của trường còn 1.000 chỗ trọ giá rẻ cho thí sinh và phụ huynh (70.000 đồng/người/đợt thi). Thí sinh có nhu cầu cần liên hệ với các điểm tư vấn tiếp sức mùa thi để được hướng dẫn cụ thể, tránh tình trạng bị lấy giá cao bên ngoài.

NHÓM PV



Thí sinh 52 tuổi thi đại học

(SGGP).- Ngày 8-7, hơn 4.250 thí sinh đã đến làm thủ tục dự thi vào Trường Đại học Đà Lạt, đạt tỷ lệ 79,36%. Đáng chú ý, năm nay chỉ có 9 hồ sơ dự thi ngành Lịch sử, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh ngành này của Đại học Đà Lạt là 80 sinh viên.

Thí sinh Nguyễn Văn Hoàng nghe phổ biến quy chế thi

Thí sinh Nguyễn Văn Hoàng nghe phổ biến quy chế thi

Trong đợt thi này, tại Đại học Đà Lạt có một thí sinh đặc biệt, đó là ông Nguyễn Văn Hoàng (52 tuổi, ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), dự thi vào ngành sư phạm Lịch sử. Ông Hoàng cho biết, được ngồi trên giảng đường đại học là ước mơ từ lâu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông không có điều kiện thực hiện điều đó. Nay dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn quyết tâm đèn sách, ôn luyện kiến thức để thi vào ngành mà ông đã yêu thích từ nhỏ là sư phạm Lịch sử.

Tin, ảnh: NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục