Hôm nay, khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hôm nay 5-1, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2. Theo chương trình nghị sự kỳ họp đã được thông qua tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Hôm nay, khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV

Quốc hội cũng sẽ thảo luận về Báo cáo đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 về các chính sách phòng chống dịch Covid-19 và Tờ trình đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 (về các chính sách phòng chống dịch Covid-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược).

Cũng tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ có một số phiên họp riêng.

* Ngay trước khi khai mạc kỳ họp, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Ban Dân nguyện đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Báo cáo nêu rõ, cử tri đồng tình và đánh giá cao việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23-12-2022 về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bắt đầu từ ngày 3-1-2023 và kết thúc vào ngày 15-3-2023.

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, tập trung của Đảng, Nhà nước, nhất là hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Những vấn đề nổi cộm nhiều cử tri và nhân dân quan tâm cũng đã được tổng hợp trong báo cáo nêu trên. Theo đó, cử tri và nhân dân bày tỏ sự bức xúc về việc giá xăng dầu tại các kỳ điều hành gần đây không cao như những tháng đầu năm, nhưng thị trường trong nước lại đã xảy ra tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng, có nhiều trường hợp không mua được đủ số lượng theo nhu cầu sử dụng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ, dư luận xã hội, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đặc biệt, cử tri phản ánh việc nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm 30%-70% số lượng đơn hàng, thậm chí không có đơn hàng, buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm, hoạt động cầm chừng nên công nhân phải làm việc luân phiên, hoặc không có việc làm, bị tạm dừng hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương phải về quê trong những tháng cuối năm… và kiến nghị có các giải pháp để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống cho người lao động.

Tin cùng chuyên mục