(SGGP).- Sáng 8-12, tại Hà Nội, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ (TTCP), Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hội nghị về luật sư, luật gia tham gia tư vấn pháp lý miễn phí tại trụ sở tiếp dân TƯ. Gần 100 luật sư tham gia hội nghị.
Từ tháng 11-2014, Mặt trận, TTCP, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp triển khai công tác trợ giúp pháp lý cho người dân tại trụ sở tiếp dân TƯ. Theo luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đây là cơ hội để giới luật sư đóng góp vào các hoạt động của mặt trận. Thực hiện chương trình phối hợp với Mặt trận, TTCP, từ tháng 7 đến hết tháng 9, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã phối hợp với TTCP thực hiện hoạt động pháp lý cho người dân ở trụ sở tiếp dân TƯ tại số 1, Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội. Đã có 100 luật sư tham gia trong 50 ngày làm việc hành chính. Kết quả đã tiếp xúc hơn 600 lượt công dân để thực hiện trợ giúp pháp lý, tuyên truyền giải thích pháp luật.
Theo ông Đỗ Ngọc Thịnh, thực tế có tới 60% việc khiếu kiện đã hết thẩm quyền, không đúng pháp luật, chỉ khoảng 40% là khiếu kiện đúng cơ sở. Vì vậy, nếu được tư vấn thì người dân sẽ nhận ra cần kết thúc việc khiếu kiện. Đã có một số trường hợp sau khi nói chuyện với luật sư thì đã về quê không khiếu kiện nữa. Qua tiếp xúc, cũng phát hiện một số vụ giải quyết khiếu kiện chưa thỏa đáng, luật sư hướng dẫn người dân có thể kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân. Theo ông Thịnh, tham gia trợ giúp pháp lý cho người dân theo chương trình phối hợp này, các luật sư đã làm trọn được bổn phận trong cả 2 vai, đó là khi tư vấn pháp luật, giải thích và tuyên truyền pháp luật phải khách quan trung thực để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và lợi ích nhà nước trên cơ sở luật pháp. Nếu dân khiếu kiện đúng thì phải hỗ trợ họ tiến hành đúng quy định của pháp luật; nếu khiếu kiện sai thì giải thích, thuyết phục dân để họ không hao tâm tổn sức cho việc khiếu kiện sai.
Theo Liên đoàn Luật sư, khi tham gia trợ giúp công dân về khiếu nại tố cáo (KNTC), thời gian này sẽ được trừ vào thời gian trợ giúp pháp lý bắt buộc của luật sư trong năm 2016 (8 giờ/năm). Các luật sư sẽ tham gia trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Liên đoàn sẽ phối hợp với TTCP để tập huấn cho các luật sư về tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai. Liên đoàn cũng sẽ cấp giấy chứng nhận cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã xây dựng đề án tham gia trợ giúp pháp lý ở trụ sở tiếp dân TƯ ở Hà Nội, TPHCM. Mục tiêu là giảm 20% - 30% số vụ việc KNTC của người dân ở trụ sở tiếp dân TƯ sau khi được luật sư tư vấn. “Nếu làm được như vậy thì sẽ góp phần rất quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội”, ông Đỗ Ngọc Thịnh cho biết.
Ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, cũng nhấn mạnh, việc thực hiện tư vấn pháp lý là thực hiện việc đại diện quyền, lợi ích chính đáng cho nhân dân. Luật sư Ngô Tất Hữu, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc luật sư tham gia tư vấn miễn phí cho người dân là mở đầu cho quá trình giải quyết hành chính có ý kiến của luật sư. Tuy nhiên, phải phân rõ đối tượng: đối tượng khiếu kiện đúng ở trụ sở trung ương, cần ý kiến luật sư; người khiếu kiện ở cơ sở ra hỏi ý kiến luật sư ở TƯ; đối tượng khiếu kiện chuyên nghiệp, kích động, lợi dụng luật sư để tấn công thanh tra. “Các luật sư phải trung thực, khách quan, nếu không khéo sẽ bị dân hiểu nhầm là cánh tay nối dài của nhà nước, vì vậy bất hợp tác”, luật sư Hữu thẳng thắn. Luật sư Bùi Đình Ứng (Hà Nội) cũng đề nghị, việc các luật sư tư vấn miễn phí cho người dân đi khiếu kiện cần làm thường xuyên, không nên chỉ làm theo đợt.
Được biết, ngoài hoạt động tư vấn miễn phí cho người dân khi họ đi khiếu kiện, năm 2016, Liên đoàn Luật sư Việt Nam sẽ nghiên cứu cơ sở pháp lý về biển Đông để kiến nghị các biện pháp đấu tranh đối với Đảng, Nhà nước; tham gia đóng góp tư vấn về mặt pháp lý cho Đảng, Nhà nước trong thực hiện các hiệp định song phương, đa phương, kinh tế...
PHAN THẢO