Ngoài ra, ngành chức năng cũng khẩn trương vận chuyển nước bằng xà lan về cấp cho các ao ở xã Phú Thạnh và Tân Thới (thuộc huyện cù lao Tân Phú Đông) được khoảng 4.790m3 nhằm hỗ trợ bà con gặp khó khăn về nước ngọt sinh hoạt.
Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT), sau thời gian độ mặn giảm thì từ ngày 8 cho đến 15-4, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL sẽ tăng trở lại theo kỳ triều cường. Ranh mặn 4 g/lít ở các cửa sông Vàm Cỏ xâm nhập sâu từ 110-120km, cao hơn 24-25km so với mức cao nhất tháng 3-2020; sông Cái Lớn từ 60- 65km, cao hơn 8-13km so với mức cao nhất tháng 3-2020; trên các sông cửa Tiểu và cửa Đại xâm nhập mặn sâu khoảng 50-55km; sông Hàm Luông từ 70-75 km; sông Cổ Chiên 45-50km; sông Hậu (Cửa Định An và Trần Đề) khoảng 45-50km...
Sau thời gian xâm nhập mặn lên cao này thì từ nửa cuối tháng 4-2020, xâm nhập mặn ở vùng các cửa sông Cửu Long khả năng giảm nhanh; đến đầu tháng 5-2020, xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ và Cái Lớn bắt đầu giảm…
Đối với tình hình khí tượng thủy văn, tổng lượng mưa từ tháng 3 đến tháng 6-2020 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Thời điểm bắt đầu mùa mưa có thể xuất hiện giữa tháng 6-2020, muộn hơn so với cùng kỳ năm 2019, và trung bình nhiều năm.
Từ diễn biến của xâm nhập mặn trên, Cục Trồng trọt cho biết, sẽ bố trí sản xuất hơn 1,5 triệu ha lúa hè thu 2020 một cách hợp lý nhằm đảm bảo năng suất từ 5,6- 5,8 tấn/ha, sản lượng hơn 8,7 triệu tấn lúa. Theo đó, việc xuống giống lúa hè thu có thể thực hiện đồng loạt từ cuối tháng 4 và đầu tháng 5 khi nguồn nước về thuận lợi.
Riêng những khu vực bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn thì phải rửa mặn, tháo phèn thật kỹ trước khi xuống giống. Các vùng cửa sông cách biển 40km trở xuống cần phải chờ mưa xuất hiện trên diện rộng, nguồn nước ngọt trên sông ổn định và lượng nước đủ tiêu thoát mới xuống giống, nhằm tránh bị thiệt hại.