Đây là tuyến đường quan trọng dẫn vào trung tâm tỉnh lỵ Đồng Tháp, nhất là khi cầu Vàm Cống thông xe, dự báo lưu lượng phương tiện qua tuyến đường này sẽ tăng rất cao, trong khi đường hiện hữu từ An Hữu- Cao Lãnh đã quá tải.
Theo đó, tuyến cao tốc này sẽ được đầu tư xây dựng song song với Quốc lộ 30 hiện hữu, điểm đầu kết nối cao tốc với tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận, điểm cuối nối Quốc lộ N2 đoạn Mỹ An – Cao Lãnh. Tổng chiều dài tuyến là 28 km, trong đó đoạn qua tỉnh Đồng Tháp là 20 km và đoạn qua tỉnh Tiền Giang là 8 km. Trước mắt, tuyến cao tốc sẽ được thực hiện với 4 làn xe ô tô, không có làn dừng khẩn cấp, bố trí dải phân cách giữa và hàng rào bảo vệ 2 bên, trên tuyến có 26 cầu (chiếm 15% tổng chiều dài tuyến). Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công – tư (PPP), tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.000 tỷ đồng, gồm vốn Trung ương, ngân sách tỉnh và kêu gọi đầu tư theo hợp đồng BOT. Dự kiến, thời gian thu phí khoảng 15 năm.
Sau khi nghe Ban Quản lý dự án 7 và các ngành chức năng báo cáo phương án đầu tư, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cơ bản thống nhất, đồng thời đề nghị các đơn vị xem xét, bố trí một số điểm dừng khẩn cấp trên tuyến, điều chỉnh phạm vi giải phóng mặt bằng là 40m, đặc biệt là chú ý cập nhật các quyết định mới về mức bồi thường cho phù hợp.
Phía Ban Quản lý dự án 7 cho biết, sẽ hoàn chỉnh dự án và trình Bộ GTVT xem xét trong tháng 5 này. Trong khi đó, các nhà đầu tư đề nghị tỉnh Đồng Tháp cung cấp thêm thông tin về thời gian triển khai, lộ trình thực hiện, công tác giải phóng mặt bằng... giúp nhà đầu tư chủ động các phương án thực hiện.