Hồn Việt ở Khác-Cốp

Chùa Trúc Lâm – Khác Cốp
Hồn Việt ở Khác-Cốp

Sau chặng dài gần 10 giờ bay, chiếc Boeing 777 mang nhãn hiệu VN 525 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam đưa chúng tôi từ sân bay quốc tế Nội Bài đến Do-mo-de-do-vô, một sân bay quốc tế thuộc thủ đô Mátxcơva (Liên bang Nga). Chờ chuyển tiếp gần 3 giờ, một chuyên cơ của tập đoàn kinh tế Technocom đưa chúng tôi từ Mátxcơva đến Khác Cốp (Cộng hòa Ucraina).

Tính ra gần 12 giờ bay, không biết đi qua bao nhiêu vùng trời, vùng đất, chúng tôi đến với xứ sở hoa hướng dương với những cánh đồng lúa mì vàng rực, những thảo nguyên mênh mông chạy dài từ cố đô của nước cộng hòa lớn thứ 3 châu Âu này đến vùng Biển Đen, nơi có thành phố Ôđétxa vừa cổ kính, vừa tráng lệ.

Cảm giác đầu tiên đến vùng đất mới, nhất là ở trung tâm châu Âu, nơi gần như khác biệt hoàn toàn với Tổ quốc VN cả về địa lý và phong tục tập quán, người ta dễ bị choáng ngợp bởi sự phồn hoa, sầm uất của các đô thị lớn với những tòa nhà chọc trời, xe cộ ngập đường và hương vị của sôcôla, phômai, bơ, sữa. Ngược lại, đối với tôi, những điều ấy không có ý nghĩa gì mấy mà sự bất ngờ đến choáng ngợp lại thuộc về một lý do khác. Ấy là giữa đất khách quê người, cách Tổ quốc VN hàng chục ngàn cây số, giữa lòng châu Âu lại có một cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc mà Hồn Việt được bảo tồn và phát triển gần như nguyên vẹn, không khác gì giữa lòng đất mẹ thân yêu.

Chùa Trúc Lâm – Khác Cốp

Vào dịp đại lễ Phật đản, năm nay, khi tiết trời heo heo nắng vàng, tôi may mắn có dịp đến Yên Tử, vùng đất thiêng liêng, huyền diệu mà cách đây gần một kỷ nguyên vua Trần Nhân Tông đã rời bỏ ngai vàng, rời bỏ kinh thành lên tu hành và lập ra thiền phái Trúc Lâm. Trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên và âm thanh trầm bổng như vọng từ quá khứ ngàn năm với tiếng kinh cầu thanh thót như tiếng suối trong hang động, tiếng vạc kêu lưng trời, tôi có cảm giác như mình đang lạc vào chốn thần tiên, nghe rõ cả tiếng bước chân của tiền nhân thời mở núi, rẽ mây, xây dựng nên trung tâm Thiền phái Trúc Lâm kỳ vĩ này.

Hồn Việt ở Khác-Cốp ảnh 1

Một góc Chùa Trúc Lâm - Khác Cốp.

Có phải đồng cảm với tôi như vậy, mà cộng đồng người Việt ở Khác Cốp, xứ sở của hoa hướng dương, nơi trung tâm sầm uất của châu Âu này đã dựng lên một ngôi chùa mang tên Trúc Lâm – Khác Cốp. Chủ tịch tập đoàn kinh tế Technocom Phạm Nhật Vượng, một doanh nhân đang thành đạt có khuôn mặt sáng, ánh nhìn thân thiện và nụ cười gần gũi đã dẫn chúng tôi đi thăm chùa Trúc Lâm vào một buổi sáng châu Âu nắng vàng ngọt như mật ong.

Trên khuôn viên cả ngàn mét vuông, chùa Khác Cốp hiện lên với đầy đủ quy mô kiến trúc, nghi thức, tập quán tôn giáo của một quần thể văn hóa tâm linh phái Phật, đã làm chúng tôi cảm thấy thật linh thiêng, ấm áp như ở quê nhà. Phạm Nhật Vượng nói, chùa được xây dựng là do công đức của cộng đồng người Việt và của tập đoàn kinh tế Technocom. Nhưng một người bạn đồng nghiệp cho tôi biết, số tiền đầu tư lên tới cả triệu USD vào ngôi chùa này là tiền công đức của gia đình Phạm Nhật Vượng. Không biết thông tin ấy chính xác đến đâu, nhưng điều chắc chắn ngôi chùa được dựng lên với quy mô hoành tráng này là ý tưởng và công sức của Phạm Nhật Vượng.

Quê ở Hà Tĩnh, nhưng tuổi thơ của Vượng lại gắn với mảnh đất ngàn năm văn vật – đất Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, và ngôi trường Amsterdam như một “thương hiệu mạnh” của các thế hệ học sinh. Vượng kể rằng, cách đây 15 năm, lúc đó vừa tròn 25 tuổi, tốt nghiệp đại học ở Mátxcơva (CHLB Nga), với 2 bàn tay trắng, Vượng đã rủ bạn bè về Khác Cốp làm ăn. Đó là thời kỳ đất nước này bước vào giai đoạn khủng hoảng. Sau 2 năm nỗ lực nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam và các bạn bè của anh đã chọn cho mình một hướng đi phù hợp: đầu tư sản xuất mì ăn liền, cung cấp cho thị trường Khác Cốp nói riêng và Ucraina nói chung, khi mọi thứ ở đây trở nên khan hiếm. Buổi đầu không đơn giản chút nào: Vốn liếng, kinh nghiệm và cả sự cạnh tranh quyết liệt. Nhưng rồi dần dần các anh cũng vượt qua và khẳng định được chỗ đứng cho riêng mình.

Đến nay, Technocom tại Ucraina đã có tổng tài sản lên tới hàng trăm triệu USD và doanh số bán hàng bình quân đạt gần 150 triệu USD/năm. Thương hiệu MIVINA (Mì Việt Nam) luôn giành được vị trí số 1 trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh tại Ucraina, đồng thời còn xuất khẩu sang 29 quốc gia trên thế giới. Có hiệu quả kinh tế, một trong những việc làm đầu tiên Phạm Nhật Vượng và các đồng sự của anh nghĩ tới là chăm lo đời sống cho cộng đồng người Việt. Chùa Trúc Lâm - Khác Cốp cũng ra đời từ ý tưởng đó.

Dòng người cứ xếp hàng nối đuôi nhau đi trong tiếng nhạc trầm bổng và tiếng kinh cầu, tiếng chuông chùa vọng ra như từ trong vách núi xa xăm “Nam mô a di đà Phật. Nam mô a di đà Phật”. Không biết một nhạc sĩ đồng quê nào đó đã sáng tác ra bản nhạc dựa trên lời kinh cầu này, nghe mà da diết, nao nao đánh thức nỗi nhớ quê hương bản xứ đến thế!

Làng Thời Đại và tượng đài Thánh Gióng

Hồn Việt ở Khác-Cốp ảnh 2

Tượng đài Thánh Gióng ở làng Thời Đại. Ảnh: TRẦN NGUYÊN TRANG

Ở Ucraina có tới hơn 10 ngàn người Việt sinh sống và làm ăn. Còn riêng Khác Cốp có tới 5 ngàn người. Người Việt sống ở đâu cũng thế. Làm ăn thì cứ làm ăn, nhưng đời sống tâm linh, cốt cách văn hóa dân tộc thì ai cũng trân trọng và giữ gìn. Đáp lại nguyện vọng ấy của bà con, Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Trần Minh Sơn và những người lãnh đạo tập đoàn Technocom, Tổng Công ty Sun Group đã góp sức xây dựng một ngôi làng Việt Nam giữa trung tâm cố đô Khác Cốp, đặt tên là làng Thời Đại.

Làng Thời Đại là một quần thể văn hóa, kiến trúc mang đậm phong cách Việt. Ở chính giữa “làng” là tượng đài Phù Đổng Thiên Vương bằng đồng. Đã thành nếp, kể từ khi tượng đài khánh thành, các chàng trai, cô gái Việt trước khi về chung sống với nhau đã đến dâng hương trước tượng đài để cầu mong một cuộc sống lứa đôi hạnh phúc, bền lâu.

Một buổi sáng, khi còn lãng đãng hơi sương, trong cái rét ngọt cuối thu châu Âu, tôi đã đi bách bộ trong ngôi làng Việt này. Một cụ già chừng gần 70 tuổi, có giọng nói còn đặc sệt xứ Nghệ, trang phục vẫn vẹn nguyên xứ Nghệ, cho tôi biết, cụ sang đây chơi với con cháu. Nhớ quê hương, đất nước quá. May mà có làng Thời Đại và tượng đài Thánh Gióng này nên đã nguôi ngoai đi phần nào. Còn một cặp vợ chồng trẻ thì nói với tôi: “Ở xa Tổ quốc, nhưng sống trong làng Thời Đại này chúng cháu thấy thật ấm áp và gần gũi với quê hương. Mọi phong tục tập quán và ngay cả những món ăn dân tộc Việt Nam, chúng cháu vẫn duy trì thường xuyên”. Các bạn trẻ ấy nói đúng.

Những ngày lưu lại trên đất Ucraina, chúng tôi đã được cộng đồng người Việt ở đây cho thưởng thức các món ăn địa phương, nhưng không quên các món ăn dân tộc. Trên lầu 7 của khu chung cư cao cấp do Tổng Công ty Sun Group xây dựng và bán trả góp cho bà con người Việt, có một bếp ăn đậm đặc hồn Việt. Ở xứ sở của hoa hướng dương và lúa mì - nơi tưởng chừng chỉ có bánh mì, bơ và sữa mà vẫn có những món ăn đậm đà bản sắc Việt như: canh cua, cà pháo, mắm tôm, rau đay, rau muống… Vào thăm một số gia đình ở khu chung cư cao cấp này, nhìn cách bài trí phòng khách và sinh hoạt của họ, không ai nghĩ đây là “đất khách quê người”. Hồn Việt, thể hiện rất rõ trong từng suy nghĩ và hành động của họ.

Tôi có thói quen, sáng sớm đi bách bộ trên quảng trường, nơi đặt tượng đài Thánh Gióng. Trong lãng đãng sương mờ và cái rét ngọt cuối thu giữa trung tâm châu Âu sầm uất, tôi cứ nghĩ mình đang đi giữa thủ đô Hà Nội hay một thành phố nào đó của Tổ quốc mình. Văng vẳng đâu đây tiếng chuông chùa. Có phải tiếng chuông từ chùa Trúc Lâm – Khác Cốp? Tôi nghĩ đến gương mặt sáng và nụ cười thân thiện của Phạm Nhật Vượng, Lê Viết Lam, Trần Minh Sơn và những cán bộ nhân viên của tập đoàn Technocom và Sun Group. Các anh đã làm những điều kỳ diệu nơi đất khách quê người. Hiệu quả kinh tế là điều dễ thấy. Nhưng còn hơn thế nữa, từ hiệu quả ấy, việc xây dựng một cộng đồng người Việt theo tiêu chí: trong sạch và vững mạnh, đã làm cho giá trị người Việt và hồn Việt đậm đà, sáng chói.

Trần Nguyên Trang
Khác-Cốp, tháng 8-2008

Tin cùng chuyên mục