Hợp tác đào tạo cử nhân chất lượng cao cho doanh nghiệp nông nghiệp

Ngày 21-4 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc tọa đàm khoa học "Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao”.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: PL&XH
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: PL&XH

Đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển nông nghiệp, nông thôn đang là yêu cầu cấp bách và là thách thức đối với các cơ sở đào tạo hiện nay. Sinh viên tốt nghiệp đại học không chỉ cần có kiến thức và trình độ chuyên môn giỏi mà còn phải có kỹ năng cần thiết để không bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo, cần có kỹ năng sáng tạo, hợp tác, tư duy phản biện. Đó là nội dung được nêu ra tại cuộc tọa đàm khoa học: “Gắn kết cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 21-4 tại Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, việc gắn kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp hết sức cần thiết. Điều này mang lại lợi ích cho cả cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và cho sinh viên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đối với sinh viên sẽ có thêm cơ hội thực hành và nâng cao tay nghề, học tập những kiến thức trải nghiệm thực tiễn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo nguồn nhân lực nông, lâm, ngư nghiệp cần xây dựng kế hoạch đào tạo sát hơn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới; tìm ra mô hình đào tạo nhân lực hiệu quả nhất, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng cao hơn. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực diễn ra sâu rộng, đòi hỏi việc đào tạo nhân lực trình độ cao cần nhiều đổi mới. Đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp với các nông trại, trang trại tạo chuỗi giá trị từ sản xuất, bảo quản, chế biến, thương mại, tiêu thụ. Tạo điều kiện để sinh viên tiếp cận sớm với kiến thức, trang bị kỹ năng sát với thực tế, để khi ra trường sinh viên có thể phát huy ngay trong điều kiện thực tiễn.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, buổi tọa đàm là diễn đàn mở để các nhà hoạch định chính sách, cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trao đổi, tìm ra các giải pháp, cơ chế chính sách gắn kết cung - cầu trong đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ cao; đề xuất cụ thể về mô hình hợp tác doanh nghiệp - nhà trường hiệu quả; thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp trong nghiên cứu, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp.

Ngay tại sự kiện này, đã có gần 30 biên bản thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp về đào tạo bổ sung nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức “Ngày hội việc làm 2019”. Từ sáng sớm, hàng ngàn sinh viên đã có mặt tại các gian hàng của doanh nghiệp để đăng ký trả lời câu hỏi phỏng vấn của các nhà tuyển dụng việc làm. Kết thúc ngày hội, có gần 5.000 cơ hội việc làm cho các sinh viên. Trong đó có 4.000 cơ hội việc làm là của các doanh nghiệp trong nước và khoảng 1.000 cơ hội việc làm của các doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện đang hoạt động tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục