HTV với những chương trình ấn tượng

Những năm qua, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) đã có sự đầu tư theo hướng tập trung vì lợi ích xã hội thông qua những chương trình, những bộ phim có nội dung giáo dục, nuôi dưỡng lòng tự hào về văn hóa, truyền thống cách mạng, về lý tưởng sống trong giai đoạn mới của đất nước.
HTV với những chương trình ấn tượng

Những năm qua, Đài Truyền hình TPHCM (HTV) đã có sự đầu tư theo hướng tập trung vì lợi ích xã hội thông qua những chương trình, những bộ phim có nội dung giáo dục, nuôi dưỡng lòng tự hào về văn hóa, truyền thống cách mạng, về lý tưởng sống trong giai đoạn mới của đất nước.

  • Thương hiệu mạnh

Có thể nói, HTV là đơn vị đi đầu, khẳng định thế mạnh ở thể loại phim tài liệu được thể hiện dưới dạng ký sự mà khởi nguồn là “Mê Kông ký sự”. Với độ dài thuộc hàng kỷ lục dành cho phim tài liệu (lúc bấy giờ, năm 2005), 93 tập “Mê Kông ký sự” đã trở thành một hiện tượng của truyền hình về phim tài liệu ký sự dài nhất, được phát đi phát lại trên nhiều đài truyền hình nhất, được in thành đĩa và có số lượng đĩa phát hành cao nhất trong tất cả các chương trình, các bộ phim truyền hình được in thành đĩa.

Được xem là mục tiêu, định hướng chủ đạo, HTV tiếp tục cho ra đời hàng loạt phim tài liệu ký sự dài tập có đề tài về văn hóa, truyền thống cách mạng như: Ký sự Hành trình theo chân Bác (89 tập - ảnh), Ký sự Thăng Long – Ngàn năm thương nhớ (140 tập)…

Song song đó, mảng phim tài liệu về chân dung các đơn vị lực lượng vũ trang anh hùng, các nhân vật anh hùng của đất nước cũng được HTV chú trọng đầu tư làm phim như: Quân đoàn 4 anh hùng, Sư đoàn 9 anh hùng; các chân dung: Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phạm Xuân Ẩn…

Ở mảng phim truyện, đề tài cách mạng luôn được chăm chút để cho ra những bộ phim đạt được cả chất lượng về nội dung lẫn nghệ thuật và thu hút được sự quan tâm yêu mến của khán giả, như: Đất phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Dòng đời, Trò chơi sinh tử, Dưới cờ đại nghĩa, Vó ngựa trời Nam…

Không chỉ đầu tư cho phim truyện, phim tài liệu, ký sự truyền thống, HTV còn đặc biệt chú trọng thực hiện những chương trình chào mừng những dịp lễ lớn, trọng đại của cả nước và của TPHCM.

Thời gian qua, những chương trình này không dừng lại ở mức độ chào mừng mà đã được HTV và những người trực tiếp tham gia dày công vun đắp với mong muốn thông qua chương trình, nhắc nhở lại những sự kiện, những dấu mốc lịch sử quan trọng để tiếp lửa cho lớp trẻ.

Những cầu truyền hình được thực hiện công phu, hoành tráng như: Linh thiêng Côn Đảo, Bản hùng ca mùa xuân (kỷ niệm 40 năm chiến thắng Mậu Thân), Chung một bóng cờ (kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam), Chung một niềm tin (kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng CSVN), 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và sắp tới đây là chương trình truyền hình trực tiếp “Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” (kỷ niệm 35 năm ngày Sài Gòn mang tên thành phố Hồ Chí Minh).

Có thể nói, thế hệ sau này sẽ có được một nguồn tư liệu quý giá về văn hóa, truyền thống cách mạng của đất nước, từ chính những chương trình, những bộ phim của HTV thực hiện trong suốt những năm qua và vẫn đang tiếp tục được chăm chút, đầu tư trong tương lai.

  • Tiếp nối và phát huy

Đồng chí Nguyễn Quý Hòa, Thành ủy viên, Tổng Giám đốc HTV, cho biết: “Phát huy những mặt tích cực đã đạt được trong công tác sản xuất phim thời gian qua, HTV tiếp tục có kế hoạch đầu tư cho mảng phim truyện về truyền thống cách mạng. Chúng tôi sẽ ưu tiên và cũng rất lưu tâm, động viên trong việc hợp tác làm phim với các đơn vị ngoài đài khi thực hiện những bộ phim thuộc đề tài này. Hãng phim TFS sẽ vẫn là đơn vị chủ lực chịu trách nhiệm sản xuất những bộ phim này. Một hội đồng duyệt phim riêng cho phim về truyền thống cách mạng cũng đã được thành lập và HTV không bắt buộc các đơn vị hợp tác làm phim phải cam kết tìm kiếm tài trợ. Để tạo thói quen xem phim thuộc dòng phim truyền thống cách mạng, khung giờ 18 giờ trên HTV9 sẽ là khung giờ cố định dành riêng cho phim”.

Được biết, với những bộ phim như vậy, HTV đã cởi mở hơn trong việc đầu tư kinh phí. Không cố định ở mức 180 triệu đồng/tập mà “tùy vào chất lượng kịch bản khi duyệt và cũng tùy vào chất lượng bộ phim khi nghiệm thu để chúng tôi đưa ra mức trả kinh phí”, đồng chí Nguyễn Quý Hòa khẳng định. Bộ phim “Đường Hồ Chí Minh trên biển – Đoàn tàu không số” là bộ phim mở đầu cho mức đầu tư tùy chất lượng với kinh phí 400 triệu đồng/tập.

Dành nhiều ưu ái cho một thể loại vốn được xem là rất khó làm và khó hấp dẫn, HTV hy vọng sự đầu tư nghiêm túc, đúng định hướng sẽ mang lại cho khán giả những sản phẩm điện ảnh thật sự hay về nội dung lẫn cách thể hiện để khán giả thêm yêu lịch sử nước nhà. Cứ nhìn vào những sản phẩm này của HTV trong suốt một thời gian dài vừa qua, chúng ta có thể tin rằng: cho đến thời điểm này, HTV vẫn là một trong những đơn vị đầu tàu và thành công trong nhiều chương trình, nhiều bộ phim về đề tài văn hóa, truyền thống cách mạng. 

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục