Huawei khơi lại căng thẳng Mỹ - Trung Quốc

Ngày 12-3 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật “Mạng viễn thông an toàn và đáng tin cậy”, theo đó cấm các công ty viễn thông Mỹ sử dụng quỹ liên bang để mua thiết bị viễn thông từ các công ty được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, trong đó có Tập đoàn Công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc.
Huawei khai trương cửa hàng đầu tiên tại Pháp vào đầu tháng 3 vừa qua
Huawei khai trương cửa hàng đầu tiên tại Pháp vào đầu tháng 3 vừa qua

Cuộc chiến xoay quanh 5G

Đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2020 được lưỡng viện Mỹ thông qua cuối năm ngoái, trong đó có nội dung yêu cầu chính phủ Mỹ phải báo cáo về việc ZTE có tuân thủ thỏa thuận hòa giải đạt được năm 2018 giữa tập đoàn này với Bộ Thương mại Mỹ hay không. Luật cũng hạn chế việc Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei ra khỏi “danh sách đen” bị cấm mua trang thiết bị và dịch vụ từ các công ty Mỹ. Luật này cũng yêu cầu Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) đưa ra một chương trình hỗ trợ nhà mạng nhỏ loại bỏ và thay thế bất kỳ thiết bị hay dịch vụ nào bị cấm theo luật trên.

Giới quan sát từng nghĩ rằng trước tác động đột ngột của dịch Covid-19, Mỹ và Trung Quốc cần phải nỗ lực nhiều hơn để ổn định quan hệ song phương, đặc biệt là việc duy trì sự ổn định kinh tế Trung Quốc cũng có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, theo phản hồi của cố vấn cấp cao Nhà Trắng Navarro, hiện Chính phủ Mỹ chưa muốn nhượng bộ về vấn đề thuế quan.

Động thái mới nhất cho thấy Mỹ vẫn đang tiếp tục tăng cường phong tỏa và ngăn chặn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, và công nghệ 5G là mấu chốt quan trọng hàng đầu. Về cơ bản, giới chuyên gia tình báo Mỹ cho rằng 5G sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh kinh tế cũng như địa vị lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump còn thông qua việc điều chỉnh chính sách cơ sở hạ tầng viễn thông và các biện pháp hành chính khác nhằm khuyến khích doanh nghiệp Mỹ đẩy nhanh nghiên cứu, phát triển cũng như ứng dụng công nghệ 5G vào thương mại. Theo tiết lộ của cố vấn kinh tế Văn phòng Nhà Trắng Kudlow, Chính phủ Mỹ đang hợp tác với các công ty công nghệ Mỹ thúc đẩy xây dựng 5G nhằm làm suy yếu địa vị công nghệ của Huawei. Hiện nay, ngoài các công ty của Mỹ như Dell, Microsoft và AT&T đã đạt được tiến triển đáng kể trong lĩnh vực 5G, Mỹ còn thu hút các công ty của châu Âu như Nokia và Ericsson tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng 5G của Mỹ. Dự đoán vào năm 2021, công nghệ 5G sẽ được các doanh nghiệp Mỹ ứng dụng rộng rãi.

Ngăn cản bằng gia tăng sức ép

Những năm gần đây, Mỹ đã gia tăng sức ép đối với hơn 60 quốc gia, nhưng hiện chỉ một vài quốc gia như Australia và New Zealand đưa ra quyết định cấm sử dụng thiết bị của Huawei.

Ngày 30-1-2020, EU đã chống lại áp lực của Mỹ khi tuyên bố cho phép các nước thành viên tự quyết định mức độ tham gia của Huawei vào việc xây dựng mạng 5G của mình. Trước đó, ngày 28-1-2020, Anh chính thức tuyên bố cho phép Huawei tham gia hạn chế vào việc xây dựng mạng 5G của nước này. Anh nhấn mạnh nhà cung ứng rủi ro cao sẽ bị loại khỏi các hạng mục nhạy cảm và cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống, song có thể tham gia các hạng mục không nhạy cảm như cơ sở hạ tầng vô tuyến; giới hạn trần của mức độ tham gia là 35%.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer phản đối việc gạt Huawei ra ngoài quá trình xây dựng mạng 5G của nước này, vì nếu không có sự tham gia của Huawei thì tiến trình xây dựng mạng 5G của Đức có thể sẽ chậm 5-10 năm. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Cơ quan an ninh mạng của Pháp (ANSSI) thừa nhận nhà cung cấp Huawei của Trung Quốc sẽ không bị loại trừ khỏi việc cung cấp thiết bị cho mạng 5G địa phương nhưng có thể phải chịu một số hạn chế nhất định.

Tin cùng chuyên mục