Theo một nghiên cứu mới nhất, do Tập đoàn tư vấn đầu tư BBVA Research và Hiệp hội các khu công nghiệp Mexico (AMPIP) phối hợp thực hiện, so với giai đoạn 2018-2022, dự kiến số lượng nhà đầu tư quốc tế tìm đến Mexico trong giai đoạn 2023-2025 sẽ tăng tới 9,1%.
Lý giải về xu hướng này, nghiên cứu chỉ rõ trong thời gian qua, Mexico đang hưởng lợi từ làn sóng near-shoring, đặc biệt giai đoạn hậu Covid-19, khi các tập đoàn đa quốc gia dịch chuyển hoạt động từ các nơi khác trên thế giới đến Mexico nhằm tận dụng vị trí gần gũi với Mỹ - trung tâm tiêu dùng cũng như sản xuất lớn trên thế giới.
Việc dịch chuyển sản xuất - kinh doanh đến Mexico sẽ giúp các doanh nghiệp tránh được trình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi có sự cố xảy ra, cũng như tiết kiệm được chi phí logistics trong quá trình giao dịch với Mỹ nói riêng và khối Bắc Mỹ nói chung.
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington cũng thôi thúc nhiều tập đoàn đa quốc gia quyết định dịch chuyển sản xuất về những quốc gia nằm ngoài tác động của cuộc xung đột vẫn chưa có hồi kết này.
Kể từ năm 2018 - thời điểm bắt đầu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, cho đến nay, Mexico đã thu hút tổng cộng 830 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó khoảng 20% đến từ các quốc gia châu Á. Các nhà sản xuất ô tô lớn, nhà cung cấp phụ tùng và nhà xây dựng trạm sạc… đã công bố các nhà máy và khoản đầu tư mới để phát triển lĩnh vực xe điện.
Cũng trong giai đoạn này, 20% các nhà đầu tư hoạt động tại Mexico đã thực hiện việc tăng vốn và mở rộng quy mô sản xuất. Với chiến lược đưa năng lực sản xuất trở lại khu vực Bắc Mỹ, giới doanh nghiệp quốc tế không những đặt trọn niềm tin về môi trường đầu tư của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh, mà còn để tránh rủi ro địa chính trị và chuỗi cung ứng.
Tờ Bloomberg dẫn báo cáo của Viện Thống kê Mexico cho biết, tổng xuất khẩu của Mexico trong tháng 5 đã tăng 5,8% so với một năm trước đó, lên 52,9 tỷ USD, mức cao thứ hai được ghi nhận. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mexico đã tăng 48% trong quý đầu tiên so với một năm trước đó, lên tới 18,6 tỷ USD.
Trang jdsupra.com cho biết, Mexico cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài một số lợi ích liên quan đến thương mại quốc tế, quy định lao động và bảo vệ hiệp ước đầu tư. Ngoài ra, Chính phủ Mexico còn cấp các ưu đãi ngoại thương, như Chương trình Maquila (IMMEX), được Bộ Kinh tế thiết kế đặc biệt để cung cấp các lợi ích về thuế và hành chính nhằm khuyến khích thành lập các cơ sở sản xuất trong nước.
Theo số liệu từ Bộ Kinh tế Mexico, riêng trong quý 1-2023, nước này thu hút 18 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tương đương khoảng 50% tổng số vốn FDI mà nước này đạt được trong năm 2022. Năm ngoái, hơn 35,5 tỷ USD vốn FDI đã đổ vào quốc gia này, con số lớn nhất kể từ năm 2015.