Hướng nghiệp trực tuyến cho học sinh

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các trường học tại TPHCM phải chuyển qua dạy học trực tuyến. “Thời gian vàng” học sinh đến trường được dành chủ yếu cho các hoạt động củng cố, bổ sung kiến thức. Do đó, hoạt động hướng nghiệp phải đổi mới bằng nhiều hình thức, phát huy tính chủ động của người học.
 Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) tham gia hoạt động hướng nghiệp tại sân trường trong năm học 2019-2020. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh) tham gia hoạt động hướng nghiệp tại sân trường trong năm học 2019-2020. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tận dụng thế mạnh trực tuyến

Sáng 21-12, tại Hội thảo “Nâng cao năng lực tổ chức hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh năm học 2021-2022” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, cho biết, trong hai năm học vừa qua, học sinh loay hoay với câu hỏi: Dịch Covid-19 khi nào kết thúc để được đến trường học trực tiếp? Mặt khác, các em lo sợ kiến thức, kỹ năng được tiếp cận không bằng những năm học trước, thị trường lao động thay đổi khó lường sau dịch bệnh nên không biết lựa chọn nghề nghiệp nào phù hợp... 

Theo ông Trần Anh Tuấn, dịch bệnh có thể gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động hướng nghiệp nhưng lại là tiền đề phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người học. “Tôi thấy trong nhiều hoạt động hướng nghiệp tổ chức theo hình thức trực tuyến gần đây, học sinh đã đặt câu hỏi thực tế hơn, đi sâu vào những trải nghiệm thực tế về nghề nghiệp”, ông Trần Anh Tuấn bày tỏ.

Các năm học trước, hoạt động hướng nghiệp ở trường học chủ yếu tập trung vào việc phát tờ rơi quảng cáo, người học tiếp cận thông tin nhiều nhưng không sâu. Nội dung các buổi tư vấn hướng nghiệp theo hình thức tập trung ở sân trường, chưa có hiệu quả cao do các trường đại học chủ yếu giới thiệu ngành đào tạo mũi nhọn của mình. Trong khi đó, hệ thống đào tạo nghề nghiệp hiện nay của thành phố khá rộng, khối đào tạo trung cấp chiếm tỷ trọng khá cao nhưng chưa có nhiều kênh tiếp cận người học. 

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hướng nghiệp chủ yếu theo hình thức trực tuyến nên có sự tham gia của cả phụ huynh lẫn học sinh. Ông Ngô Thành Nam, thành viên Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, cho biết, giai đoạn trước, khái niệm “định hướng nghề nghiệp” bị nhiều phụ huynh phớt lờ bởi suy nghĩ con chọn nghề theo truyền thống gia đình, thực hiện ước mơ của bố mẹ hoặc không đậu trường này thì học trường kia. Kết quả khảo sát ở các trường học cho thấy, có đến hơn 70% học sinh không biết mình thích gì, không xác định được điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của bản thân. Nhờ sự phát triển sâu rộng của công nghệ và truyền thông, phụ huynh hiện nay đã quan tâm hơn đến việc định hướng nghề nghiệp cho con khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông. Tuy nhiên, các trường phổ thông mới tập trung vào việc giúp học sinh nhận thức về nghề nghiệp, chưa quan tâm đúng mức đến việc nhận thức rõ về bản thân - bước tiền đề quan trọng trước khi các em lựa chọn nghề nghiệp phù hợp. 

Thay đổi từ giáo viên

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, trong từng thời điểm và bối cảnh xã hội, trường học có nhiều hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp phù hợp, đem lại hiệu quả cho học sinh. Trong giai đoạn hiện nay, bản thân giáo viên phải thay đổi cách tiếp cận và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp nhằm trang bị toàn diện kiến thức, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh, tránh việc lãng phí thời gian, tiền bạc và công sức của người học nếu chọn lựa nghề nghiệp không phù hợp. 

Ngoài ra, theo thầy Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), do ảnh hưởng của dịch bệnh, dạy học chuyển qua hình thức trực tuyến, nếu giáo viên vẫn giữ cách làm cũ là “bê nguyên xi” giáo án dạy học trực tiếp vào dạy học trực tuyến cho học sinh sẽ không đáp ứng nhu cầu tìm hiểu kiến thức của người học. Đây vừa là thử thách song cũng là cơ hội chuẩn bị kỹ năng, tâm lý cho người học đối mặt với những thay đổi của môi trường lao động do tác động của bối cảnh xã hội.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thị Thu Hà phân tích, để lựa chọn được công việc phù hợp với năng lực và sở thích, học sinh phải trả lời 4 câu hỏi: việc gì mình thích, việc gì có thể làm tốt, việc gì xã hội cần và việc gì mang lại thu nhập cho bản thân. Tuy nhiên, cả 4 yếu tố nói trên đều không mang tính cố định mà liên tục thay đổi. Vì vậy, kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp cần được trang bị cho người học càng sớm càng tốt. 

Thêm vào đó, học sinh hiện nay đánh giá năng lực và sở trường của bản thân chủ yếu qua khía cạnh các môn học, song thực tế khi ra trường làm việc đòi hỏi thêm nhiều kỹ năng giải quyết vấn đề trong thực tiễn. Từ thực tế đó, học sinh phải mở rộng trải nghiệm qua các hình thức tham gia câu lạc bộ trong trường học, dự án học tập, việc làm thêm bán thời gian phù hợp lứa tuổi… Hơn nữa, hoạt động hướng nghiệp ở trường phổ thông cần kết hợp đa dạng nhiều hình thức như tham quan trải nghiệm, kết nối trường học với doanh nghiệp tạo ra hệ sinh thái hướng nghiệp, học sinh tham gia các dự án nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hướng nghiệp ở các trường phổ thông.

Theo Bộ LĐTB-XH, đến hết quý 2-2021, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam đạt 26,1%, số lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng là 73,9%. Dự báo giai đoạn 2021-2030, một số nhóm ngành nghề cần nhiều nhu cầu nhân lực gắn với sự phát triển kinh tế số, gồm: khoa học máy tính, kỹ thuật cơ khí, kiến trúc, khoa học môi trường, công nghệ sinh học… Từ nay đến năm 2040, TPHCM cần từ 330.000-350.000 nhân lực/năm, trong đó trình độ đại học, cao đẳng chiếm 20%, trung cấp 30% và sơ cấp 25%.

Tin cùng chuyên mục