Vẫn hoa đào, bánh chưng, trẻ em diện quần áo mới... song giờ đây, hương vị ngày tết dường như không còn đậm đà như trước, với Hà Nội.
Lý do đưa ra thì vô vàn. Người thì cho rằng giới trẻ ngày nay thích hướng ngoại, người thì đổ tại do môi trường sống thay đổi, các dãy nhà cao tầng không còn chỗ để đặt bếp luộc bánh chưng. Nhưng có lẽ điều thiếu hụt trong phong vị ngày tết nằm trong chính mỗi chúng ta. Cái phong vị ngày tết sẽ vụt qua nếu mỗi người không tự biết tạo nên một khoảng lặng giữa ồn ào cuộc sống để cùng cảm nhận khoảnh khắc giao thời linh thiêng ấy.
Còn cái tết cổ truyền ở Hà Nội, theo cụ Nguyễn Vinh Phúc - người được gọi là nhà Hà Nội học, thì luôn có hai khâu là chuẩn bị tết và ăn tết. Trước kia, những ngày cận tết cánh đàn ông thì lên Hàng Bồ, Hàng Đường để mua củ thủy tiên về tỉa sao cho ra hoa đúng giao thừa; mua đào quất, sắm quần áo, khăn xếp, giày mới ở phố Hà Trung, Hàng Điếu; lên Hàng Bồ xin đôi câu đối của các ông đồ dán trước cửa nhà để trừ tà trừ quỷ, mua các loại tranh tết như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống… Còn các bà thì tất bật đi lên chợ Đồng Xuân mua đồ ăn, nào là bong bóng cá, bào ngư, long tu, tổ yến, những bó măng bó miến, dưa hành để ăn bánh chưng, dưa chua để ăn với thịt đông, nồi thịt kho để ăn ngày tết cho đỡ ngấy, lo các bữa cỗ lớn với nhiều món ăn trong lễ cuối năm, lễ hóa vàng. Gần ngày tết, các chị lên may áo ở phố Lương Văn Can, lên Hàng Bạc để làm mới đồ trang sức gọi là “tắm” cho như vòng, xuyến, lắc… Nhà mà điều kiện kinh tế eo hẹp thì vẫn cố dành dụm để lo cho con nhỏ trong nhà một manh áo mới. Trẻ con thích, người lớn đành mặc áo cũ và để dành tiền lo cho con manh áo mới đón tết. Không khí ấm áp ấy càng nồng đượm hơn khi cả nhà tất bật chuẩn bị gói bánh chưng. Hương vị thơm nồng của hương nếp mới, âm thanh lách tách của thanh củi mới, tiếng cười giòn của lũ trẻ khi chiếc bánh “mụn” - bánh chưng nhỏ được vớt sớm… thật không có gì có thể ví được.
Ngày xưa, tết cũng là thời điểm con trẻ vui nhất vì được ông bà, người lớn mừng tuổi. Những đồng xu, đồng chinh được gói vào giấy điều màu đỏ được trao tận tay cho các cháu với lời dặn dò nên dùng tiền tiết kiệm, dùng vào những việc cần thiết như mua sách vở, đóng học phí. Các bà nội trợ lại coi đây là dịp trổ tài nấu nướng. Bạn bè hàng xóm người thân trong họ đến chơi được mời ăn nào xôi vò chè đường, bánh chưng xanh hay thịt đông, cá kho để thưởng thức tay nghề của gia chủ. Người bà, người mẹ cũng nhân dịp này truyền nghề, chỉ dạy cho con cháu trong nhà nên những cô gái gia đình nề nếp ở Hà Nội xưa thường rất thạo nữ công gia chánh là vì thế.
Giờ đây, khi cuộc sống hiện đại rồi, thời gian eo hẹp hơn vì thế nếp nghĩ, nếp sống của con người cũng dần thay đổi, điều đó là quy luật tự nhiên. Nhưng theo Nhà nghiên cứu Giang Quân, điều mình có thể làm là cố gắng hướng nó vào việc thiện, những điều tốt đẹp. Thay đổi nhưng làm sao để vẫn giữ được phong cách thanh lịch, tế nhị của người Hà Nội.
THU HÀ