Huy động sức mạnh toàn dân chống tham nhũng

Từ đầu năm đến nay, ngành thanh tra TPHCM đã triển khai 135 cuộc thanh, kiểm tra kinh tế, xã hội và việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng tại 174 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Lĩnh vực tập trung thanh, kiểm tra nhiều nhất là quản lý, sử dụng nhà đất, xây dựng cơ bản, quản lý thu chi ngân sách, quản lý tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp…

Từ đầu năm đến nay, ngành thanh tra TPHCM đã triển khai 135 cuộc thanh, kiểm tra kinh tế, xã hội và việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng tại 174 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Lĩnh vực tập trung thanh, kiểm tra nhiều nhất là quản lý, sử dụng nhà đất, xây dựng cơ bản, quản lý thu chi ngân sách, quản lý tài sản công, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp…

Số cuộc thanh, kiểm tra và số đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tiến hành thanh, kiểm tra so với cùng thời điểm tăng hơn 30%, song sai phạm về kinh tế bị phát hiện lại giảm đến hàng chục lần với giá trị thất thoát chỉ có 379 triệu đồng.

Trong công tác điều tra, đấu tranh với các tội tham nhũng, theo báo cáo của các cơ quan bảo vệ pháp luật, từ đầu năm đến nay cũng chỉ phát hiện, khởi tố được 3 vụ với 20 bị cáo, trong đó chủ yếu là các vụ tham nhũng với giá trị từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Đáng chú ý là các lĩnh vực được cho là dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như nhà đất, xây dựng cơ bản… lại không có vụ nào.

Những số liệu đánh giá trên cho thấy có điều gì đó không phản ánh đúng thực chất của tình trạng tiêu cực, tham nhũng đã đến lúc báo động hiện nay. Theo đánh giá trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, tình hình tham nhũng vẫn phức tạp, phổ biến và nghiêm trọng; các hành vi tham nhũng tiềm ẩn, có tổ chức chặt chẽ khó phát hiện, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp; đối tượng phạm tội từ nhân viên cho đến những người có chức, có quyền, người đứng đầu các cơ quan Đảng, chính quyền ở nhiều cấp.

Để đấu tranh với tội phạm tham nhũng, bộ máy phòng chống tham nhũng của chúng ta hiện được cho là hùng hậu nhất từ trước đến nay, hầu như ở cấp nào cũng có, không chỉ ở các cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn có trong cơ quan của Đảng, Nhà nước… Vậy tại sao tham nhũng phát hiện lại quá ít? Trả lời câu hỏi này, chắc chắn có một phần của nguyên nhân về mô hình, tổ chức và bộ máy của các cơ quan phòng chống tham nhũng từ trước đến nay hoạt động kém hiệu quả.

Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) vừa qua đã quyết định chuyển cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị. Chủ trương này là một quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, được người dân đồng tình và mong sớm đi vào thực tế.

Để mô hình và bộ máy tổ chức đi vào hoạt động có hiệu quả, người dân cũng mong muốn trước tiên Đảng phải chọn được những cán bộ có tâm huyết, có bản lĩnh, có phương pháp đấu tranh và coi tham nhũng là kẻ thù, là mối nguy sự tồn vong của chế độ.

Mặt khác, cũng cần có cơ chế, chính sách động viên và huy động được sức mạnh của toàn dân cùng tham gia vào cuộc đấu tranh cam go này, để tham nhũng, tiêu cực không có đất sống, và khi đã xảy ra sẽ bị phát hiện, xử lý ngay.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục