Bản báo cáo với nhan đề “Đầu tư đất nông nghiệp - Vai trò của IFC trong việc chiếm đoạt đất đai toàn cầu” được công bố mới đây trên trang oaklandinstitute.org, Viện Nghiên cứu Oakland (Mỹ) đã tố cáo các hoạt động của Ngân hàng Thế giới (WB) tại châu Phi mà trực tiếp là Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đã tiếp tay cho các tổ chức tư nhân nước ngoài chiếm đoạt hàng triệu hecta đất nông nghiệp ở châu lục này.
Nhiều dự án lớn hiện nay ở châu Phi cho thấy đất nông nghiệp đang rơi vào tay nước ngoài. Ở Mali, hơn 160.000ha đất nông nghiệp đã được bán cho một tập đoàn tư nhân để trồng cây jatropha (dùng sản xuất chất đốt sinh học), ở Ethiopia có tới 3 triệu ha đất nông nghiệp nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài. Nặng nề nhất là ở CHDC Congo, năm 2009, gần 10 triệu ha đất trồng được chuyển nhượng cho nước ngoài.
Trong quá trình nghiên cứu về các cuộc cải cách ruộng đất ở trên 30 quốc gia châu Phi, trong đó có khoảng 10 nước ở Tây Phi, Viện Nghiên cứu Oakland phát hiện IFC đã thông qua cái được gọi là chương trình “Tiếp cận nguồn đất” và “Thị trường đất cần đầu tư” để tiếp tay cho các tổ chức tư nhân nước ngoài mua hàng triệu hécta đất nông nghiệp ở nhiều nước châu Phi.
Viện Nghiên cứu Oakland nhận định các hoạt động chuyển nhượng này được thực hiện hoàn toàn nhờ vào việc IFC đã tác động các quốc gia châu Phi sửa đổi các pháp chế của mình liên quan đến hoạt động đầu tư, tạo thuận lợi để các tổ chức tư nhân đến từ phương Bắc dễ dàng thâm nhập. Ngoài ra, WB còn bị tố cáo là đã thông đồng với các tập đoàn tư nhân, theo đó IFC có những lợi ích trong nhiều dự án đầu tư hoặc nắm giữ cổ phần trong các công ty mà tổ chức này đầu tư.
Điều ngạc nhiên là nhiều quan chức của IFC đã không phủ nhận hoàn toàn những cáo buộc trên, mà chỉ buông một câu: “Vấn đề đất đai rất phức tạp!”. Lý lẽ mà IFC đưa ra là tổ chức này nhằm mục đích khuyến khích đầu tư tư nhân cho dù là mang tính địa phương hay nước ngoài, nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho các nước châu Phi. Nhưng, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế khu vực, châu Phi đang cần đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chứ không cần những chính sách cho phép giới đầu tư nước ngoài đến khai thác và xuất khẩu sản phẩm về nước mình.
Những thủ đoạn của IFC, đặc biệt là việc khuyến khích đầu tư trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp, đã đe dọa trực tiếp đến nguồn đất trồng trọt ở các nước châu Phi. Đây không phải là lần đầu tiên IFC bị cáo buộc tòng phạm do có những lợi ích riêng trong các lĩnh vực mà tổ chức này tham gia với tư cách là cố vấn cho các quốc gia, chủ yếu ở châu Phi. Trước khi tham gia vào lĩnh vực đất đai và nông nghiệp, IFC từng tham gia trong các lĩnh vực khai mỏ ở châu Phi và cũng bị giới chuyên gia tố cáo là phục vụ lợi ích cho riêng mình.
Việt Anh