IKEA đang tiến tới trở thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình kinh doanh tuần hoàn (thay thế khái niệm “kết thúc vòng đời” sản phẩm bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu trong các quá trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng ở các cấp độ từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng) vào năm 2030. Cửa hàng đồ cũ sẽ cung cấp đồ nội thất đã bị hư hỏng và được sửa chữa, tân trang lại từ một cửa hàng IKEA gần đó. Các cửa hàng sửa chữa và đóng gói lại các sản phẩm bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển, bị khách hàng trả lại, thậm chí cả đồ nội thất để bán lại hoặc quyên góp cho các tổ chức từ thiện.
Trước đó, năm 2019, IKEA đã khởi động dự án thử nghiệm cho thuê đồ nội thất tại một số thị trường. Cộng với dự án tái chế đồ nội thất trên phạm vi toàn thế giới, IKEA đang nỗ lực hướng sản phẩm của mình thân thiện môi trường nhằm giải quyết những lo ngại về mô hình kinh doanh đóng gói phẳng (flat pack).
IKEA được biết đến là thương hiệu tiên phong đưa khái niệm “flat pack” - đóng gói phẳng - vào lĩnh vực nội thất, mang đến những sản phẩm chất lượng với giá thành thấp nhất có thể. Sản phẩm nội thất được chia thành nhiều phần nhỏ, sắp xếp gọn gàng trong hộp carton, đi kèm với hướng dẫn lắp đặt, vận chuyển đến tay khách hàng, cũng chính là những người sẽ lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Giám đốc phát triển bền vững của IKEA Thụy Điển Jonas Carlehed cho biết, dự án thử nghiệm sẽ được đánh giá lại thường xuyên và IKEA đặt mục tiêu giảm trung bình 70% tác động đến khí hậu trên mỗi sản phẩm vào năm 2030.