In nắng trên giấy ảnh

Chuyện bản quyền trong tác phẩm nghệ thuật trong nước chưa thực sự được tôn trọng vẫn là câu chuyện dài muôn thuở, tuy nhiên, trong lĩnh vực nhiếp ảnh, một kỹ thuật mới mang đến những tác phẩm độc bản gần như không thể sao chép đang thu hút sự quan tâm của công chúng cùng giới sưu tập.

Chụp ảnh không cần máy ảnh

Kỹ thuật “in nắng trên giấy ảnh đen trắng” hay lumen print được hiểu là kỹ thuật tạo ra tác phẩm nhiếp ảnh nhưng không dùng máy ảnh. Lấy chủ thể là một bông hoa bất kỳ, cũng có thể là hoa khô đặt lên giấy ảnh và dùng kính ép 2 mặt lại. Nghệ sĩ thực hành kiểm soát chặt chẽ từng chi tiết như: nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, hóa chất dùng trong ảnh thủ công…

Các phản ứng vật lý, hóa học bắt đầu, những bông hoa tự tạo ra hình ảnh của chính mình dưới ánh mặt trời và những tính chất riêng của từng loại hoa. Dĩ nhiên, đây là những bức ảnh độc bản hoàn toàn.

Thực ra xu hướng nhiếp ảnh này đã xuất hiện trên thế giới từ khá lâu. Tại Việt Nam, phải đến triển lãm Chloris tại Vy Gallery vào tháng 9-2022, dòng ảnh thủ công lumen print của nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc mới chính thức thu hút giới nhiếp ảnh.

Khách tham quan triển lãm Chloris tại Vy Gallery

Khách tham quan triển lãm Chloris tại Vy Gallery

Theo chia sẻ từ nhiều giám tuyển và các nhà sưu tập, Chloris là triển lãm đầu tiên tập hợp các bức ảnh theo kiểu lumen print thành một chuỗi câu chuyện với gần 40 tác phẩm, chia làm hai phần với các chủ đề Bất tử và Tái sinh. Chloris là tên nữ thần của các loài hoa trong thần thoại Hy Lạp và các bức ảnh hoa được thực hiện hoàn toàn không dùng máy ảnh mà với hoa thật tương tác trực tiếp trên giấy ảnh phủ bạc Chloride.

Ranh giới mong manh giữa tranh và ảnh

Với sự xuất hiện của kỹ thuật nhiếp ảnh không dùng máy ảnh, câu hỏi đặt ra liệu tác phẩm cuối cùng được gọi là một bức tranh hay bức ảnh? Lý giải điều này, nghệ sĩ thị giác Phạm Tuấn Ngọc phân tích: “Trong nhiếp ảnh, yếu tố ánh sáng rất quan trọng và kỹ thuật nhiếp ảnh lumen print cũng vậy, người nghệ sĩ cũng phụ thuộc vào ánh sáng và nhiệt độ rất nhiều. Qua hàng trăm lần thử nghiệm, tôi sử dụng giấy ảnh đen trắng cùng vô số các loại hoa khác nhau với những tính chất riêng biệt, dưới những điều kiện môi trường khắc nghiệt của phương Nam, từ đó đạt được những kết quả hình ảnh kỳ diệu đủ màu sắc: hồng, tím, vàng, xanh, cam…, đường nét khi tỏ khi mờ, khi mềm mại khi mãnh liệt. Và tác phẩm cuối cùng là màu sắc tự nhiên của bông hoa, không có bất kỳ một vết cọ, hay sự pha màu nào tạo thành, nó là tác phẩm độc bản, rất khó, hay có thể nói là gần như không thể sao chép”.

Một điều đặc biệt là kỹ thuật lumen print giống như một thách thức đối với giới chơi ảnh thủ công, bởi tuy có thể theo dõi tiến trình thực hiện tác phẩm nhưng lại không thể quyết định màu sắc và hình dạng cuối cùng của tác phẩm. Tuy được thực hiện trên giấy ảnh đen trắng, nhưng tác phẩm của kỹ thuật in nắng lại có rất nhiều màu sắc.

Hiệu ứng thị giác do kỹ thuật này tạo ra cũng vô cùng đa dạng và khó đạt được bởi một kỹ thuật hội họa hay in ấn bất kỳ nào khác. Đường nét hình ảnh vừa kỳ ảo mềm mại lại vừa có thể rất rõ nét, có những tấm hình giống chụp X-quang, có tấm giống như những bông hoa đang chìm dần vào một màn sương mù, có tấm lại giống như thể bông hoa đang rực cháy…

Để có thể nói tính tiện dụng và ứng dụng của ảnh kỹ thuật số, hay ảnh thủ công phụ thuộc vào nhu cầu và phong cách sáng tạo của nghệ sĩ. Giám tuyển Nguyễn Thế Sơn (giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: “Việc thực hành và thử nghiệm với những kỹ thuật phức tạp và còn có ít người thực hiện trên thế giới, góp phần vào quá trình giữ gìn các giá trị của phương thức tạo hình ảnh kinh điển, đồng thời thách thức giới hạn cũng như thúc đẩy sự phát triển của nhiếp ảnh. Cốt lõi trong thực hành của người nghệ sĩ với nhiếp ảnh thủ công là sự kết hợp bền chặt giữa tay nghề thủ công tinh xảo, hiểu biết thấu đáo về chất liệu và ý niệm nghệ thuật khi sáng tác”.

Tin cùng chuyên mục