Iran: Ủy ban bầu cử đồng ý cho kiểm phiếu lại

°Bạo lực leo thang nghiêm trọng
Iran: Ủy ban bầu cử đồng ý cho kiểm phiếu lại

°Bạo lực leo thang nghiêm trọng

Ông Mousavi, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống.
Ông Mousavi, lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống.

Ngày 16-6, Ủy ban bầu cử Iran đã đồng ý kiểm lại số phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 12-6. Quyết định trên được thông báo trên Đài Truyền hình Iran không lâu sau khi thủ lĩnh tinh thần tối cao của Iran, Giáo chủ Ali Khamenei, ra lệnh điều tra những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử trên.

Đây là một sự thay đổi lớn trên chính trường Iran, bởi vì trước đó ông Khamenei từng hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử và kêu gọi người dân nước này ủng hộ đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Bất chấp lệnh cấm tụ tập của chính phủ, hàng trăm ngàn người Iran tiếp tục đổ về thủ đô Tehran để biểu tình ủng hộ ứng cử viên tổng thống thất cử Mir Hossein Mousavi. Làn sóng biểu tình đã biến thành bạo lực sau khi xảy ra đụng độ nghiêm trọng giữa các phe phái, khiến 7 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Ông Mousavi kêu gọi lực lượng ủng hộ “giành lấy quyền lợi của mình” và thề sẵn sàng “trả bất kỳ giá nào cho cuộc chiến này”. Cùng ngày, hàng ngàn người ủng hộ đương kim Tổng thống Iran Ahmadinejad cũng đã xuống đường phản đối các ủng hộ viên của ông Mousavi và yêu cầu trừng phạt những người này đã gây bạo động.

Tình hình rối loạn tại Iran khiến cộng đồng quốc tế thực sự lo ngại. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết ông sẽ theo dõi sát diễn biến cuộc điều tra về cáo buộc này. Tổng thống Mỹ Barack Obama hứa sẽ kiên trì với cam kết của ông nhằm theo đuổi biện pháp ngoại giao “cứng rắn, thiết thực” nhưng “không ảo tưởng” với Iran, bất chấp việc Tổng thống nước này, ông M. Ahmadinejad đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.

Trong khi LHQ và Mỹ thận trọng thì các nước châu Âu tỏ ra cứng rắn hơn đối với Tehran. Thủ tướng Gordon Brown cho rằng Iran phải trả lời “các câu hỏi nghiêm túc” về cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở nước này. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng lên án các hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình tại Iran.

Bộ Ngoại giao Pháp đã triệu Đại sứ Iran để yêu cầu Tehran đưa ra câu trả lời rõ ràng đối với những nghi vấn về tính hợp pháp của cuộc bầu cử tổng thống vừa qua.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống M. Ahmadinejad đã tới Nga để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Ahmadinejad sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi.

H.Chi (Theo BBC, CNN, Reuters)

Tin cùng chuyên mục