Khoảng trống quyền lực
Việc Mỹ tìm cách rút khỏi “các cuộc chiến bất tận” ở Trung Đông và Afghanistan đã để lại khoảng trống quyền lực. Tuy nhiên, Mỹ và các cường quốc phương Tây khác hiểu rằng họ không thể để mọi thứ trượt dài, do đó đã mở rộng liên minh chống IS bằng cách mời thêm 25 quốc gia, chủ yếu từ châu Phi, tham dự vào Liên minh toàn cầu. Chuyên gia Raffaello Pantucci của Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh nhận định: “Họ muốn có một nỗ lực phối hợp để cố gắng giải quyết những vấn đề này một cách mạch lạc và chiến lược”.
Hiện chính phủ các nước ý thức được đại dịch Covid-19 đang làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo, tạo mảnh đất màu mỡ cho các tư tưởng cực đoan sinh sôi nảy nở. Nhưng ngay cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, tại Trung Đông vẫn còn đó các cuộc nội chiến, sự can thiệp của nước ngoài cùng những mâu thuẫn giáo phái. Đây chính là những yếu tố góp phần gây ra bất ổn, bất công và các phản ứng cực đoan. Tất cả các cuộc xung đột đang diễn ra tạo cơ hội cho các nhóm khủng bố như IS trỗi dậy.
Mặc dù IS có thể không bao giờ lặp lại được thành công trong việc xây dựng được một thực thể trải dài từ Iraq sang Syria như trước, nhưng các nước cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ khi IS đang mưu toan tái hợp lực lượng. Việc không để mắt tới IS ở thời điểm quan trọng này có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc.
Theo trang mạng Arab News, cũng giống như mạng lưới khủng bố al-Qaeda, IS đang thay đổi chiến lược và tìm cách thích nghi với thực tế địa chính trị mới. Việc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Iran đang triển khai các chương trình đối lập nhau tại Syria, cùng với những bất ổn chính trị và kinh tế tại Iraq đã tạo ra khoảng trống để IS lợi dụng. Điều đặc biệt đáng lo ngại là những tư tưởng cực đoan mà IS gieo rắc tiếp tục có sức hút ở các mức độ khác nhau.
Thừa cơ bành trướng
Theo The Guardian, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lan nhanh tại châu Phi, giữa lúc thế giới tập trung đối phó với đại dịch Covid-19, tổ chức IS đang thừa cơ bành trướng thế lực tại khu vực sa mạc cận Sahara. Những căng thẳng giữa Mỹ và Iran thời gian qua, đặc biệt là sau vụ Thiếu tướng Qassem Soleimani - Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran bị thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở thủ đô Baghdad của Iraq hồi đầu tháng 1-2020, đã tạo điều kiện cho nhiều nhóm tay súng IS tái tập hợp lực lượng và tiến hành các vụ tấn công mới.
Các báo cáo cho thấy có nhiều đối tượng IS hiện đang hoạt động tại Iraq, đặc biệt là trong dịp tháng lễ Ramadan vừa qua của người Hồi giáo. Một số mục tiêu quân sự và dân sự ở miền Tây và miền Trung Iraq thường bị tấn công trong những tuần gần đây. Thiếu tướng Tahsin Al-Khafaji, Chỉ huy các chiến dịch quân sự chung của Iraq xác nhận rằng, các vụ tấn công của IS đã gia tăng giữa lúc Baghdad tập trung nguồn lực để kiềm chế sự lây lan của dịch Covid-19.
Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn ở Syria, nơi các tay súng IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về một số vụ tấn công đẫm máu nhằm vào lực lượng dân quân ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad cũng như Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - nòng cốt là người Kurd, trong dịp tháng lễ Ramadan vừa qua. Sau khi IS bị đánh bại ở Syria hồi tháng 3 năm ngoái, hàng ngàn tay súng IS đã bị SDF giam giữ ở khu vực Đông Bắc Syria.
Những nỗ lực nhằm hồi hương các tay súng IS là người nước ngoài đã thất bại trong khi SDF ngày một suy yếu do phải đối mặt với các cuộc tấn công của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm phiến quân ủng hộ Ankara. Giới phân tích tin rằng, phần lớn những đối tượng này có lẽ đã tái hợp khi ẩn náu tại các vùng sa mạc rộng lớn ở Syria và Iraq.