Sổ tay

ISBN – Bao giờ thành hiện thực?

ISBN (International Standard Book Number) được hiểu là mã số sách chuẩn quốc tế. Một mã số ISBN bao gồm 10 chữ số gồm mã quốc gia, mã nhà xuất bản (NXB), mã loại sách và số sách được kết hợp với hệ thống mã vạch hàng hóa đã trở thành yếu tố thông tin không thể thiếu trên bìa 4 của sách và đang áp dụng tại hơn 150 nước.

Mỗi một cuốn sách đều có một ISBN riêng và duy nhất, vừa có tác dụng cho việc quản lý sản phẩm của nhà xuất bản vừa tiện lợi trong việc phân loại, tra cứu, tìm kiếm sách tại các thư viện; thống kê, quản lý bán hàng trong các cửa hiệu sách, siêu thị sách và thuận lợi nhất cho việc xuất nhập khẩu sách và bán sách qua mạng Internet…Có thể nói ISBN chính là “biển số” của mỗi cuốn sách.

Tại Việt Nam, trước đây do tỷ lệ sách xuất khẩu ít nên ISBN không được chú ý. Vài năm gần đây, nhu cầu xuất khẩu sách bắt đầu xuất hiện, đặc biệt nhu cầu mua sách qua mạng của kiều bào nước ngoài đang tăng mạnh. Thế nhưng, do thiếu ISBN nên sách của Việt Nam khó lòng có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng và nhất là không được những trang web bán sách lớn nhất thế giới như www.amazone.com hỗ trợ nên khả năng xuất khẩu bị hạn chế rất nhiều.

Đứng trước thực trạng đó, Cục Xuất bản Việt Nam đã xúc tiến các thủ tục để Việt Nam sớm được gia nhập Tổ chức Mã số quốc tế. Ngày 2-5-2007, cả giới xuất bản vui mừng khi nhận được tin Việt Nam đã chính thức là thành viên của Tổ chức Mã số sách quốc tế ISBN và được cấp mã số quốc gia là 064.

Việc nước ta được cấp mã số gồm 3 số được xem là thành công của ngành xuất bản vì mã số được cấp theo mức xuất bản của các nước. Theo quy định phải có trên 20.000 tên sách xuất bản mỗi năm mới được cấp số này, và đến hết năm 2007 ngành xuất bản trong nước ta mới vượt qua mức này.

Song, niềm vui được thay thế bằng sự chờ đợi mệt mỏi. Đến tận bây giờ, việc triển khai mã số ISBN tới các NXB trong nước vẫn còn mịt mờ. Tại cuộc thảo luận về liên kết xuất bản, đại diện Nhà sách Văn Nghệ đã đề nghị ông Nguyễn Kiểm, Cục trưởng Cục Xuất bản, cho biết thời điểm áp dụng ISBN. Như hiện nay, Nhà sách Văn Nghệ nhiều lần rao sách trên amazone.com, đã nhận được yêu cầu đặt hàng nhưng yêu cầu nào cũng cần ISBN, và dĩ nhiên do không có nên sách đã không thể bán được.

Nhưng đáng tiếc, ông Nguyễn Kiểm cũng không thể trả lời chính xác bao giờ ISBN có thể triển khai tới các NXB trong nước và điều này đồng nghĩa các NXB trong nước lại phải tiếp tục chờ đợi để sách của mình được “hợp pháp hóa” trên con đường xuất khẩu ra nước ngoài thay cho những con đường vòng như hiện nay.

Trước thực trạng xuất nhập khẩu sách vẫn đang nhập siêu, việc triển khai, sử dụng và phát huy hiệu quả của ISBN đang là một trong những vấn đề được các đơn vị xuất bản trong nước quan tâm nhất hiện nay. Nhưng mọi sự vẫn phải chờ đợi.

Tân Tường

Tin cùng chuyên mục