Kẻ gian vào bệnh viện

Đủ chiêu trò

Theo thông tin từ bạn đọc, thời gian gần đây có nhiều kẻ gian chọn bệnh viện (BV) làm nơi lừa đảo, xin đểu, trộm cắp. Mặc dù các BV đều có đội bảo vệ nhưng vẫn khó ngăn chặn tình trạng này.

Đủ chiêu trò

Bạn đọc Lê Thị Liên đang nuôi người thân tại BV Nhân dân 115, kể: Đầu tháng 6-2013, tại BV Nhân dân 115 xuất hiện một phụ nữ khoảng hơn 40 tuổi ăn vận xốc xếch, băng bó vì gãy tay trái và chân phải, lê lết tấm thân tàn tật xin tiền bệnh nhân. Bà đưa sổ khám bệnh cho mọi người thấy và rên rỉ: “Cô bác ơi, giúp con. Khổ quá! mất cắp hết tiền, đau nặng không tiền chạy chữa”.

Chị Liên và những người chứng kiến đã thương tình quyên góp tiền giúp người phụ nữ tội nghiệp. Thế nhưng có những người bệnh đã nằm thời gian dài tại BV cho biết: “Người phụ nữ này tới lui BV xin tiền thường xuyên. Người nào không biết là bị mắc bẫy, cho tiền liền. Thực ra bà ta không bệnh gì hết”.

Thật vậy, chỉ một tuần sau, ngày 8-6, chị Liên lại bắt gặp người đàn bà đó với chân tay lành lặn, khỏe mạnh đang dắt tay đứa con trai, nói cười vui vẻ, vừa đi hai mẹ con vừa ăn sữa chua tại hành lang tại BV Hùng Vương, không rõ vào BV này để “nhập vai” gì nữa.

Thăm hỏi bảo vệ, bệnh nhân và người nuôi bệnh tại các BV, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều vụ kẻ gian vào BV lừa gạt bằng cách lợi dụng lòng thương cảm của mọi người như vậy. Trước đó, giữa tháng 2-2013, Phạm Văn Long - tên gọi khác là Thọ (38 tuổi, ở Ô Môn, Cần Thơ), trà trộn vào Khoa Nội thận BV Chợ Rẫy, cũng xin tiền bệnh nhân bằng mánh than nghèo kể khổ.

Cuối tháng 2-2013, một đối tượng khác tên Phạm Minh Quốc Cường (32 tuổi, ở Tân Thuận, quận 7, TPHCM) vào BV Chợ Rẫy giả dạng bệnh nhân xin tiền, lừa đảo người nhẹ dạ. Cả hai đối tượng Phạm Văn Long và Phạm Minh Quốc Cường đều bị bảo vệ BV phát hiện, bắt giao công an phường xử lý. Khi bị tạm giữ, Phạm Minh Quốc Cường đang giấu trong người một bọc tiền lớn cùng nhiều giấy tờ khám bệnh mang tên nhiều người.

Tinh vi hơn, nhiều kẻ gian còn thực hiện “kịch bản”, dàn cảnh, phối hợp kẻ tung người hứng lừa gạt người bệnh hoặc tạo tình huống nhốn nháo, xô đẩy để móc túi. Bạn đọc Ngô Văn Dũng (quận 3, TPHCM) là một bệnh nhân từng bị lừa tại BV Chợ Rẫy kể lại: Nhóm lừa đảo gồm một cặp nam nữ đóng vai đôi vợ chồng nghèo, bệnh nặng; một tên thứ ba đóng vai người đang nuôi bệnh nhân, giả bộ thương hại cho 200.000 đồng, rồi kêu gọi mọi người cùng đóng góp giúp người nghèo khó.

Nhiều bệnh nhân thấy vậy cũng hưởng ứng quyên góp, không biết đó là những tay lừa đảo có hạng. Chỉ trong vài chục phút, 3 kẻ gian này đã thu được gần 3 triệu đồng của mọi người và đi mất. Sau đó có người cho hay đó chỉ là kịch bản đã diễn đi diễn lại nhiều lần.

Có kẻ gian còn giả danh nhân viên y tế vào BV trộm cắp. Giữa tháng 5-2013, Nguyễn Hoàng Trí (41 tuổi, phường 12, quận 10, TPHCM) trà trộn vào khu vực trại 25 BV Chợ Rẫy, mang theo áo blouse trắng có thêu tên bác sĩ. Bảo vệ đã kịp thời bắt giữ khi y chưa kịp ra tay, khám xét trong người tên này có thủ sẵn kéo nhọn, dao nhọn.

Bắt chỗ này, chuồn sang chỗ khác

Chiều muộn ngày 11-6, tại hành lang trước Khoa Cơ xương khớp BV Nhân dân 115 có một người đàn ông lớn tuổi, mắt lờ đờ thất thểu xin tiền, chìa quyển sổ khám bệnh nhàu nát ghi tên Phạm Văn Tấn, 50 tuổi, trong sổ trống trơn, không có bất kỳ dòng chữ nào của bác sĩ khám bệnh. Ông này kêu khổ vì bị kẻ gian móc túi lấy hết tiền; không tiền nên BV không khám, ông muốn về nhà ở TP Cần Thơ nhưng không có đồng nào, đang phải sống vật vờ và trông chờ lòng thương hại của mọi người.

Qua bạn đọc phản ánh, chúng tôi theo dõi biết đối tượng này thường xuyên giả nghèo, giả bệnh để lừa gạt tại nhiều BV trên địa bàn TPHCM. Khi bị bắt giữ, đối tượng này khai nhận tên thật là Phạm Văn Tấn (49 tuổi, ở phường 2, quận 3, TPHCM), đã nhiều lần vào BV Chợ Rẫy để xin tiền. Trước đó, vào ngày 28-3-2013, ông ta đã từng bị bảo vệ BV Chợ Rẫy bắt quả tang đang cầm phim và bệnh án giả để xin đểu.

Thực tế, hầu hết kẻ gian vào các BV lừa đảo, xin đểu, trộm cắp đều thuộc thành phần lười biếng, lợi dùng lòng trắc ẩn của mọi người kiếm tiền bất chính. Mặc dù các BV đều có lực lượng bảo vệ canh gác và phát loa cảnh báo cho mọi người cảnh giác nhưng nhiều kẻ gian vẫn trà trộn hoạt động và khiến nhiều người mắc lừa. Chỉ cần dạo một vòng vài BV tại TPHCM trong một ngày, chúng tôi đã ghi nhận được nhiều thông tin về những trường hợp người bệnh, người nuôi bệnh bị kẻ gian lừa tiền trắng trợn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Trương, Giám đốc BV Hùng Vương, cho biết: “Tình trạng lừa đảo, trộm cắp tại BV vẫn xảy ra như cơm bữa. Tháng nào cũng có vài vụ trộm cắp, móc túi. Dù chúng tôi đã cử lực lượng bảo vệ canh gác nghiêm túc nhưng cũng khó có thể ngăn chặn triệt để”.

Ông Trần Cư, Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy, giãi bày: “Nhân viên bảo vệ BV làm việc cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, thủ đoạn hoạt động của kẻ gian ngày càng tinh vi. Bệnh nhân nên hết sức cảnh giác, không nghe bất kỳ lời khuyên nào của nhân viên y tế không đeo bảng tên. Tránh trò chuyện thân tình, uống cà phê, uống nước với người lạ đến nhận đồng hương. Không gửi tư trang, vật dụng cá nhân cho người không quen biết”.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục