Đối với công tác đào tạo và sát hạch lái xe, năm 2016 sẽ có nhiều đổi mới nhất từ trước đến nay, mà hầu hết có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
Đổi mới khâu khám sức khỏe
Bắt đầu từ ngày 1-1-2016, việc khám sức khỏe cho người lái xe sẽ theo tiêu chuẩn mới, áp dụng cho cả diện cấp mới lẫn cấp đổi giấy phép lái xe. Theo đó, tất cả mọi người lái xe xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy phép lái xe sẽ phải qua 2 bước khám sức khỏe: lâm sàng và cận lâm sàng. Bước khám lâm sàng sẽ có 8 nội dung đối với nam và 9 nội dung đối với nữ. Đó là khám về tâm thần, thần kinh, mắt, tai-mũi-họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết và thai sản dành cho nữ giới. Trong khi đó bước khám cận lâm sàng sẽ tập trung chú trọng vào xét nghiệm ma túy và xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở. Một số xét nghiệm đặc thù chỉ được thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ khám sức khỏe, như các xét nghiệm liên quan đến huyết học, sinh hóa, X quang… Dĩ nhiên bên cạnh từng nội dung khám đều phải có chữ ký xác nhận của bác sĩ.
Thi thực hành cấp phép lái xe chở khách (Ảnh: CAO THĂNG)
Mặc dù nội dung khám có khá nhiều hạng mục và đôi khi rất chi tiết; thế nhưng điều đó không có nghĩa khám sức khỏe theo tiêu chuẩn mới sẽ khó khăn hơn cho người dân có nhu cầu xin cấp đổi giấy phép lái xe, so với bộ tiêu chuẩn khám sức khỏe cũ. Lấy nội dung khám liên quan đến mắt làm ví dụ. Theo tiêu chuẩn cũ, người một mắt không được cấp giấy phép lái xe nhưng theo bộ tiêu chuẩn mới nhất bắt đầu có hiệu lực từ 1-1-2016 thì lại vẫn được. Bởi vì đối chiếu với bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe theo tiêu chuẩn khám sức khỏe mới, nếu còn một mắt mà thị lực từ 4/10 trở lên kể cả điều chỉnh bằng kính thì vẫn đủ điều kiện lái xe hạng A1 và nếu còn một mắt mà thị lực từ 5/10 trở lên thì vẫn đủ điều kiện lái xe hạng B1.
Một nét mới nữa là thời gian hiệu lực của giấy khám sức khỏe theo cách cũ là 1 năm trong khi theo tiêu chuẩn mới chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng.
Đào tạo riêng lái xe số tự động
Cũng kể từ ngày 1-1-2016, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho phép đào tạo riêng xe số tự động bằng lái B1, áp dụng trên cả nước. Điều này có nghĩa là từ 1-1-2016, những người không hành nghề lái xe được phép học lái riêng xe số tự động để lái xe số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc lái ô tô tải và ô tô chuyên dùng số tự động có tải trọng thiết kế dưới 3,5 tấn. Bộ GTVT không quên lưu ý rằng bằng lái ô tô số tự động sẽ không được tính cho xe số sàn, tức là người có giấy phép lái xe số tự động không được dùng bằng lái ấy để điều khiển xe số sàn.
Theo nhận xét từ Bộ GTVT, có một thực tế là có một bộ phận không nhỏ người dân chỉ có nhu cầu lái xe số tự động phục vụ sinh hoạt cá nhân, gia đình nhưng lâu nay không có cơ sở đào tạo lái xe nào dạy riêng biệt xe số tự động mà bắt buộc học viên học lái xe phải học qua số sàn rồi sau đó mới được học thêm về xe số tự động. Kể từ 1-1-2016, sự bất hợp lý đó đã được Bộ GTVT xóa bỏ.
Một số đổi mới liên quan đến quy trình sát hạch
Trước đây trong phần thi thực hành đối với bằng lái ô tô hạng B1 và B2, người thi không phải trải qua nội dung thi ghép ngang. Thế nhưng kể từ ngày 1-4-2016, nội dung “ghép ngang” sẽ là phần thi thực hành bắt buộc đối với các thí sinh thi lấy bằng lái B1 và B2. Các chuyên gia nhận xét rằng đây là một phần thi kỹ năng tuy mới được thêm vào nhưng hoàn toàn phù hợp với thực tế hiện nay tại TPHCM, đó là hiện nay rất phổ biến các ô đậu xe kiểu này trên địa bàn.
Trong khi đó kể từ ngày 1-7-2016, phần thi thực hành để lấy bằng lái loại A1, A2 và A3 sẽ được chuyển sang chấm tự động bằng cảm biến, thay thế cho cách chấm thủ công trước đây. Điều này được dân trong nghề nhận xét là sẽ giúp làm tăng tính chính xác của kết quả thi.
THIỆN NHÂN