Kết nối trí thức doanh nghiệp kiều bào với đào tạo nguồn nhân lực

Ngày 15-6, tại khu Công nghệ cao TPHCM Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp Công ty CP Công nghiệp Hỗ trợ Minh Nguyên tổ chức hoạt động kết nối trí thức doanh nghiệp kiều bào chia sẻ về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

 

Các trí thức, doanh nghiệp kiều bào tham quan nhà máy công nghệ phụ trợ của Samsung tại khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: VÕ THẮM
Các trí thức, doanh nghiệp kiều bào tham quan nhà máy công nghệ phụ trợ của Samsung tại khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: VÕ THẮM

Ngày 15-6, tại khu Công nghệ cao TPHCM (phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9), Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP phối hợp Công ty Cổ phần Công nghiệp Hỗ trợ Minh Nguyên tổ chức hoạt động kết nối trí thức doanh nghiệp kiều bào với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện chương trình công tác năm 2017 của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP về việc giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả giới chuyên gia, trí thức, doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào trên địa bàn TPHCM. Đồng thời, tăng cường phối hợp nhằm giữ mối liên lạc tốt với các cơ quan, ban ngành trong TP, cũng như doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào.

Tham dự chương trình có đại diện Lãnh đạo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP; Sở Giáo Dục và Đào tạo TP; Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP; Hiệp Hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài; một số trí thức, doanh nghiệp kiều bào…

Quang cảnh buổi giao lưu, kết nối trí thức, doanh nghiệp kiều bào về đào tạo nguồn nhân lực

Tại đây, đại diện doanh nghiệp kiều bào, các trí thức trao đổi các kinh nghiệm đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực thông qua các hoạt động đào tạo, sản xuất kinh doanh, hoạt động tài chính, giáo dục, hoạt động hiệp hội doanh nhân nước ngoài cũng như trong nước… Sau đó, cùng chia sẻ, hỗ trợ góp ý cho các giải pháp, cách làm khả thi nhằm tạo ra nguồn lực có kỷ luật phù hợp cho các yêu cầu của TP và cho các doanh nghiệp, hiệp hội. Đặc, biệt, chương trình cũng hỗ trợ kiều bào, hội sinh viên và đoàn đại diện Trường Seojeong (Hàn Quốc) kết nối với các tổ chức trong nước.

GS.TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hội Người Việt tại Hàn Quốc, giảng viên Trường Đại học Inha (Hàn Quốc) cho biết “Hiện nay, đang có khoảng 150.000 người Việt Nam tại Hàn Quốc, ngược lại cũng có chừng đó người Hàn Quốc tại Việt Nam. Đã có rất nhiều yêu cầu cụ thể từ các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, làm việc tại Việt Nam cũng như TPHCM. Vì vậy, có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để mang lại sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa giữa hai nước. Với nguồn nhân lực chất lượng cao TPHCM, điều chúng tôi quan tâm là nguồn nhân lực tại đây sẽ được đào tạo như thế nào và có đáp ứng đúng nhu cầu thực chất hay không? Do vậy cần phải có những giải pháp, hướng đào tạo thực chất”.
Đoàn đại diện Trường Seojeong (Hàn Quốc) trao đổi, chia sẻ về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ảnh: VÕ THẮM

Còn ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho rằng trong nhu cầu chung, hiện nay TPHCM cũng đã chuẩn bị tương đối mặt bằng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông nói: “Theo tôi biết, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM có tới 163 trường để chuẩn bị cho chương trình phát triển nguồn nhân lực chất cao, đó là sự chuẩn bị rất tích cực. Hơn nữa, cũng có nhiều đơn vị từ các nước đến TP làm việc để kết nối. Từng bước chúng ta sẽ có mô hình giáo dục bài bản, vừa đào tạo vừa thực hành…”.

Nói về kinh nghiệm sử dụng nguồn nhân lực cao tại doanh nghiệp của mình, ông Peter Hồng cho biết thêm: “Tôi làm về ngân hàng và các dịch vụ xung quanh ngân hàng, nên tất cả những câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực để chuẩn bị cho tương lai rất cần thiết, luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Mỗi một công nghệ trên thế giới đưa ra chỉ cần sau 6 tháng đã có thể lỗi thời, cho nên chuyện tìm kiếm công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực để sử dụng hợp lý được chúng tôi tích cực chuẩn bị. Chúng tôi liên kết với nhiều đơn vị đào tạo tại Mỹ, Nhật Bản, Úc… để đào tạo nhân viên của mình, thậm chí đối với những bạn sinh viên đã và đang làm việc tại công ty cũng được đào tạo thêm”.

Phía Lãnh đạo các Sở tham dự đã tiếp nhận và trao đổi các thông tin theo tinh thần Công văn số 662/UBND-TH ngày 13-2-2017 của UBND TPHCM về thực hiện các đề xuất, kiến nghị của kiều bào sau Hội nghị VK16 năm 2016, thông tin “Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TPHCM đến năm 2020” theo Quyết định số 2567/QĐ-UBND ngày 23-5-2017.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM chia sẻ: “Các doanh nghiệp Việt kiều đã đóng góp cho TP với nhiều hoạt động phát triển kinh tế xã hội, trong đó có lĩnh vực đào tạo. Các việt kiều có thế gắn với các hội đồng hiệu trưởng các trường Đại học do UBND thành lập. Và các doanh nghiệp Việt kiều có thể góp ý, tạo kết nối với các trường ĐH, doanh nghiệp nước ngoài để các em học sinh Việt Nam có cơ hội học tập, thực tập, trải nghiệm, có việc làm… giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo. Sở cũng đã kết nối với doanh nghiệp về vấn để tuyển lao động, đặt hàng lao động… Hơn nữa, từ đó có thể góp ý với các trường ĐH, CĐ tại TPHCM trong chương trình đào tạo để điều chỉnh phù hợp với yêu cầu nhân lực của các doanh nghiệp”.

Buổi giao lưu, kết nối là hoạt động của chuỗi tiếp nối 45 chuyên đề mà UBND TPHCM - Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài triển khai nhằm đóng góp thiết thực vào 7 chương trình đột phá của Nghị quyết 10 tham gia xây dựng TPHCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế. Ông Nguyễn Trường Nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết: “UBND TPHCM có quyết định số 256/QĐ-UBND về ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp TPHCM đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, tỉ lệ lao động đang việc đã qua đào tạo nghề đạt 85% trong số tổng lao động đang làm việc, với chất lượng đạt tiêu chuẩn của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tỉ lệ lao động qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ trình độ cao và trong các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm của thành phố đạt từ 85%-90%. Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố đề ra 7 giải pháp trong đó có hoạt động liên kết, hợp tác về giáo dục về nghề nghiệp với cơ sở giáo dục của các nước như: Anh, Đức, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia…”

Trong chương trình giao lưu, các trí thức doanh nghiệp kiều bào cũng tham quan nhà máy công nghệ phụ trợ của Samsung tại khu Công nghệ cao TPHCM.

Tin cùng chuyên mục