* Năm 2014 giữ nguyên thi “3 chung”
Hôm qua 31-10, kỳ tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH-CĐ) năm 2013 đã kết thúc. Theo mức điểm sàn năm 2013, số lượng thí sinh trên mức điểm sàn rất lớn so với những năm gần đây. Cụ thể, hệ ĐH 323.681 chỉ tiêu, số thí sinh đạt điểm sàn trở lên là 562.449 và hệ CĐ 256.886 chỉ tiêu, số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên là 419.291. Thế nhưng, đến thời điểm này nhiều trường vẫn khát người học, trong đó thảm nhất vẫn là hệ CĐ.
Người nhập học khoảng 10% chỉ tiêu!
Những trường ngoài công lập và ĐH địa phương đã đặt hết hy vọng vào xét tuyển nguyện vọng (NV) bổ sung, nhưng kết thúc mùa tuyển sinh năm nay như ngồi trên lửa vì chỉ tiêu nhiều mà người học quá ít! Trường ĐH Lương Thế Vinh chỉ nhận được khoảng 100 hồ sơ trong tổng số 1.000 chỉ tiêu. Tương tự, Trường ĐH Hòa Bình nhận được hơn 140 hồ sơ nhưng chỉ tiêu đến 600, Trường ĐH Chu Văn An chỉ nhận được khoảng 50 hồ sơ so với chỉ tiêu cần tuyển là 1.000, Trường ĐH Đại Nam tuyển được 700 thí sinh trên tổng số 2.000 chỉ tiêu. Các trường khác như ĐH Hà Hoa Tiên, ĐH Đông Đô lượng sinh viên nhập học chỉ đạt 50% so với chỉ tiêu cần tuyển. Tại phía Nam, hàng loạt trường cũng lận đận không kém. Các trường như ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kinh tế tài chính, ĐH Quốc tế Sài Gòn… lượng sinh viên nhập học chỉ vỏn vẹn vài ba trăm.
Trong khi đó, hệ CĐ ở các trường ĐH và nhiều trường CĐ cũng bi đát không kém. Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM chỉ tiêu 2.100, NV1 trúng tuyển 1.400 nhưng chỉ hơn 300 thí sinh nhập học. Ở NV bổ sung, trường gọi 2.000 thí sinh trúng tuyển nhưng hơn 1.000 thí sinh nhập học. Tương tự, hệ CĐ ở các trường như ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế tài chính… lượng thí sinh nhập học cũng giảm từ 40% - 50% so với năm ngoái.
Ngay cả các trường CĐ thuộc hàng tốp của cả nước như CĐ Kinh tế Đối ngoại, CĐ Tài chính Hải quan, CĐ Công thương TPHCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… dù thí sinh trên điểm sàn cao gấp 2 đến 3 lần so với chỉ tiêu, nhưng thực tế thí sinh nhập học lại thiếu. Trường CĐ Công thương thí sinh trúng tuyển NV1 điểm khá cao nhưng trường cần thêm 1.500 chỉ tiêu NV bổ sung, song hiện chỉ có trên 40% thí sinh đến nhập học. Báo động nhất là Trường CĐ Tài chính Hải quan, dù chỉ tuyển 500 chỉ tiêu và số thí sinh trúng tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu nhưng kết quả thí sinh nhập học thiếu đến hơn 200 chỉ tiêu. Và lần đầu tiên trong nhiều năm liền, trường phải tuyển NV bổ sung.
Trông chờ phao cứu sinh từ bộ
Giải thích nguyên nhân khó tuyển sinh, lãnh đạo các trường ngoài công lập cho biết, tâm lý chung của thí sinh là bất đắc dĩ mới phải vào ngoài công lập, trong khi năm nay nhiều trường ĐH công lập lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn và học phí lại thấp hơn thì đương nhiên thí sinh dại gì nộp hồ sơ vào trường ngoài công lập. Còn một rào cản nữa khiến người học không mặn mà chính là ở học phí, vì mức học phí thấp nhất hiện nay cũng đến 10 triệu đồng/năm.
Đối với hệ CĐ, nguyên nhân khiến thí sinh quay lưng chính là Thông tư 55 (Quy định về liên thông) do Bộ GD-ĐT ban hành và quy định: Thí sinh muốn thi liên thông từ CĐ lên ĐH phải đủ 36 tháng (3 năm) kể từ ngày thi tốt nghiệp. Như vậy, để lấy bằng ĐH phải mất đến 7 năm rưỡi (3 năm học CĐ, 3 năm chờ đợi để thi liên thông và 1,5 năm học liên thông ĐH). Đó là một quãng thời gian khá dài khiến thí sinh nản lòng với hệ CĐ.
Trước tình cảnh nhiều trường ngoài công lập có quá ít sinh viên vào học, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Hiện nay Bộ GD-ĐT cũng nhận được một số đề xuất của các trường ngoài công lập về việc cho tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải được hội đồng tuyển sinh Bộ GD-ĐT xem xét mọi điều kiện, nếu hợp lý thì bộ mới có phương án. Ngoài ra, vấn đề các trường tuyển sinh không được phải cần xem lại vì nguồn tuyển năm nay tăng gần 100.000 so với năm 2012”.
Riêng với việc liên thông, Thông tư 55 dù hơi đột ngột nhưng đã trả các trường về đúng vị trí, nhiệm vụ đào tạo của mình, đồng thời chấm dứt tình trạng xem CĐ là dự bị ĐH, không còn tình trạng liên thông dễ dãi, xem liên thông là “nồi cơm” của các trường. Khó khăn trong khâu tuyển sinh có thể là nhất thời, song điều quan trọng nhất là các trường phải chuyển hướng để có thể thu hút được người học bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm đến việc làm cho sinh viên khi ra trường.
| |
THANH HÙNG