Khắc họa chân dung nhà báo bằng tiểu thuyết

Bạn đọc cả nước, đặc biệt giới báo chí - truyền thông biết đến Phạm Quốc Toàn với góc độ là nhà quản lý và hoạt động báo chí. Trưởng thành từ Báo Quân đội Nhân dân, sau gần nửa thế kỷ làm báo chuyên nghiệp, Phạm Quốc Toàn làm tổng biên tập nhiều cơ quan báo chí. Thêm nữa, 2 khóa liền (2005 - 2015), ông là Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam.

Cứ nghĩ, đảm đương nhiều trọng trách thế, Phạm Quốc Toàn không còn thời gian để viết báo và đặc biệt viết văn - xuất bản sách. Nhưng điều đáng ghi nhận, chỉ trong vòng 7 năm, kể từ năm 2012 đến nay, như “gà đẻ trứng vàng”, Phạm Quốc Toàn liên tiếp cho ra đời 11 tập sách.

Giáp Tết Kỷ Hợi 2019, Phạm Quốc Toàn trình làng tập sách thứ 12, đó là tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng (NXB Văn hóa - Văn nghệ). Khác với các tập sách trước (phần lớn là ký, du ký, bút ký chân dung nhân vật, tiểu phẩm, tiểu luận, kỷ niệm, suy ngẫm về nghề nghiệp), tập sách mới Từ bến sông Nhùng dày gần 400 trang của Phạm Quốc Toàn là tiểu thuyết - một thể loại văn chương mà bạn đọc chưa gặp  đối với cây viết bình luận thời sự sắc sảo, cây bút phóng sự, bút ký và một tổng biên tập vững vàng, không kém phần sắc sảo.

Khắc họa chân dung nhà báo bằng tiểu thuyết ảnh 1
Nhận cuốn sách đầy đặn do tác giả gửi tặng vào dịp giáp Tết Kỷ Hợi, tôi háo hức đọc như một sự khám phá về người đồng nghiệp, đồng đội thân thiết và quý trọng. Đúng như “Lời thưa” của tác giả: “Thể loại tiểu thuyết, chuyện và việc giống ngoài đời, nhưng lại không có ngoài đời. Từ bến sông Nhùng thuộc loại tiểu thuyết “sự kiện”, tiểu thuyết “lịch sử” - không thể thoát ra ngoài dòng chảy thời cuộc đương đại”. Và, tác giả mượn lời của nhân vật chính trong tác phẩm - nhà báo Phan Hoàng, để sớm cho ra mắt độc giả: “Không nên cầu toàn và cũng không thể cầu toàn!”.

Trôi theo dòng cảm xúc của tác giả, tôi hứng thú khám phá cả về nội dung và hình thức đứa con tinh thần “gien trội” của nhà báo - nhà văn Phạm Quốc Toàn. Trước hết, phải nói ngay, đề tài nhà báo và người làm báo gần như là thế mạnh vốn có của Phạm Quốc Toàn mấy chục năm nay.

Bằng sự trải nghiệm, va đập của cuộc sống, Phạm Quốc Toàn có cái nhìn như một đồng nghiệp gạo cội, cao niên nhận xét “thấu tim gan”, khá đa dạng, nhuần nhuyễn cả về lý luận và thực tiễn về nghề báo - một lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến tất cả mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Từ cuộc đời thật của nhà báo Phan Hoàng, nhân vật chính trong tiểu thuyết (nhưng là nguyên mẫu ngoài đời), Phạm Quốc Toàn không phải dụng công “sáng tác”. Bản thân cuộc đời của nguyên mẫu đã là pho tiểu thuyết sống; theo đúng quan niệm về thể loại này. Đó là câu chuyện dài về một con người mà số phận - cuộc đời - tình yêu của người ấy gắn liền với số phận của đất nước và dân tộc; với sự hình thành và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Được sống và làm việc với nguyên mẫu, đặc biệt được nhân vật chính chia sẻ “gan ruột”, Phạm Quốc Toàn đã sử dụng tối đa thế mạnh, sở trường báo chí và cảm xúc văn chương của ông để khắc họa nhân vật Phan Hoàng vừa thực vừa hư; vừa có cái chung lại vừa có nét riêng độc đáo. 

Lướt qua 9 chương, ta thấy Phạm Quốc Toàn khéo léo khắc họa chân dung ký giả, chính khách Phan Hoàng - một thanh niên trí thức, ra đi từ bến sông Nhùng; từ xứ sở “gió Lào, cát trắng” để trở thành một nhà báo, nhà văn, dịch giả, học giả, nhà văn hóa - nhà kiến trúc và hoạt động xã hội. Đó chính là nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình của một thời sơ khai, gian nan, trứng nước của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Chín mươi và bảy mươi - hai con số chẵn chục biểu thị cho tuổi đời và tuổi nghề của nhân vật trung tâm, tác giả cho đó là con số đẹp theo triết lý Phật giáo: an lành, tự tại. 

Bên cạnh khắc họa một nhà báo Phan Hoàng chỉn chu, mực thước, kiên định, làm báo với cái tâm trong sáng, với mục đích vì nước, vì dân, trong Từ bến sông Nhùng, Phạm Quốc Toàn đã mô tả một cách sâu đậm tính cách của một số người mượn danh nhà báo để vụ lợi, kiếm chác, hạ bệ đồng nghiệp.

Thông qua nhân vật Phan Hoàng trong tiểu thuyết, Phạm Quốc Toàn còn đưa ra thông điệp mang tính thời sự nóng hổi, những quan niệm về nghề báo, nghề văn; từ báo in đến báo nói, báo mạng; từ đạo đức nghề nghiệp đến nhận diện: Nhà báo, bạn là ai? Đó là những hình ảnh sinh động về nghề báo - một nghề đang được coi là thời thượng đối với không ít người, thu hút nhiều đối tượng xã hội. Cũng qua nhân vật Phan Hoàng, Phạm Quốc Toàn gửi đến người làm báo và thế hệ tương lai một thông điệp, rằng nghề nghiệp nào cũng cần có sự đắm say và cái tâm; nhưng dường như đó là điều kiện tiên quyết đối với nghề báo.

Từ nhân vật Phan Hoàng, Phạm Quốc Toàn lý giải: Nhà báo, bạn là ai? Ông giành hẳn một chương để nói về điều này, được “láy” lại nhiều lần trong các chương khác, bắt đầu từ thái độ của Phan Hoàng đối với ông Bí thư Tỉnh ủy khoán hộ, nửa thế kỷ trước ở miền trung du. Đây không phải tiêu đề của một giáo trình giảng dạy báo chí mà là câu hỏi của Bí thư tỉnh ủy Kim - người “phá rào”.

Trong lúc thực tiễn sôi bỏng, đa dạng, khó phân biệt đúng sai, cần một thái độ dứt khoát, một cách nhìn vừa biện chứng vừa lịch sử. Nhà báo, bạn là ai? Là người ủng hộ cái mới, cái đúng, ích nước, lợi dân hay chỉ là người cơ hội, “ăn theo, nói leo”, “xanh vỏ, đỏ lòng”?!

***
Bàn về phương pháp thể hiện trong tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng.

Từ lâu, trong giáo trình giảng dạy về lý luận, phê bình văn học, người ta đã đưa ra những định nghĩa, quan niệm khác nhau về thể loại tiểu thuyết. Trước hết, tiểu thuyết là một tác phẩm văn chương, giàu tính sáng tạo, dựa trên những điều có thực và không có thực trong cuộc sống.

Tiểu thuyết bay bổng, lãng mạn, ước lệ, mang tính biểu tượng cao. Từ bến sông Nhùng của Phạm Quốc Toàn có điều khác. Qua nhân vật chính và tuyến nhân vật phụ, người đọc dễ dàng nhận ra lối tả thực và rất thực ngoài đời. Những địa danh, tên cơ quan báo chí... mà tác giả trích dẫn trong tiểu thuyết là có thực. Do vậy, người đọc khó nhận ra chỗ nào là yếu tố sáng tác của nhà văn, chỗ nào ghi chép sự kiện của nhà báo.

Cuộc sống đang nhiều đổi thay. Có thể còn có những ý kiến khác nhau của các nhà nghiên cứu - lý luận phê bình văn học về vấn đề này. Nhưng theo chúng tôi, đây là sự cố gắng rất đáng khích lệ của tác giả. Ngòi viết của Phạm Quốc Toàn lúc bay bổng, lãng mạn, theo thủ pháp văn chương, lúc cụ thể, rành rẽ theo phong cách báo chí. Những lời thoại, lời dẫn, sự lồng ghép giữa thể ký báo chí và sự sáng tạo của nhà văn trong Từ bến sông Nhùng luôn đưa đến sự bất ngờ cho người đọc. Điều đó cũng bình thường; bởi xét về lý luận, một tác phẩm văn chương - đứa con tinh thần khi “lọt lòng mẹ”, bước ra công chúng chắc chắn phải có đời sống, hình hài, tính cách riêng.

Và, người đọc tiếp nhận nó “theo cách riêng của bạn”. Như thế, phải công bằng nhìn nhận, tác giả Từ bến sông Nhùng đã lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc. Nhà văn - nhà báo Phạm Quốc Toàn đã dụng công trên cánh đồng chữ nghĩa với ý thức trách nhiệm chính trị rõ ràng và với tâm huyết, sự say mê cháy bỏng. 

Ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng Phạm Quốc Toàn vẫn nuôi dưỡng cho mình cảm xúc tỉnh táo, trẻ trung và tươi mới. Cường độ lao động của ông là điều đáng quý trọng. Đây thực sự là một đóng góp đáng ghi nhận của tác giả với nền báo chí, văn chương. Nhưng trước hết, theo cách nói của một đồng nghiệp uy tín, đồng đội của Phạm Quốc Toàn ở Báo Quân đội Nhân dân: Điều đáng trân trọng nhất là trách nhiệm xã hội và cái tâm của tác giả đối với đời, với nghề! 

Tin cùng chuyên mục