Khắc phục tình trạng dân chủ hình thức

Dân chủ hình thức sẽ dẫn tới đoàn kết theo kiểu xuôi chiều, nể nang, không dám đấu tranh, cản trở sự tiến bộ, phát triển của tổ chức, đơn vị. Vì vậy, đấu tranh và chống các biểu hiện dân chủ hình thức là việc cần phải làm quyết liệt, đồng bộ.

Ở một chi bộ, khi lấy ý kiến để giới thiệu một quần chúng vào Đảng thì không ai có ý kiến phản đối, nhưng khi bỏ phiếu thì có một số phiếu không đồng ý kết nạp. Người chủ trì ghi nhận kết quả và đề nghị đảng viên nào bỏ phiếu không đồng ý thì nêu ý kiến vì sao không đồng ý, nhưng vẫn không ai lên tiếng. Trong cuộc họp chi bộ lần 2, đồng chí chủ trì đề nghị rõ nếu ai chưa đồng thuận thì cần nêu quan điểm cụ thể. Kết quả bỏ phiếu lại đạt 100% đảng viên đồng thuận!

Đó là một trong nhiều biểu hiện của “dân chủ hình thức”, xuất hiện ở một số tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị. Trên thực tế, hiện tượng này có nhiều trạng thái khác, như lấy ý kiến đảng viên, quần chúng về những việc mà họ không có đầy đủ thông tin, khiến họ nhắm mắt lựa chọn hoặc lựa chọn cho xong, không cần biết lựa chọn đúng - sai. Đặc biệt, dân chủ hình thức còn biểu hiện qua việc xây dựng, ban hành nghị quyết lãnh đạo. Nhiều tổ chức Đảng không bám sát thực tiễn, đề ra chỉ tiêu quá cao hoặc rất chung chung nhưng biện pháp lãnh đạo thì không rõ, khi tổ chức họp thì có ít hoặc không có các ý kiến phân tích thấu đáo, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu cho phù hợp thực tiễn…

huyenuydamdoi-6837.jpg
Huyện ủy Đầm Dơi tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở. Ảnh minh họa

Chính từ sự dân chủ hình thức sẽ dẫn tới hiện tượng đoàn kết giả tạo, triệt tiêu đấu tranh, triệt tiêu tính tích cực và sáng kiến của mọi người, từ đó khó thúc đẩy các ý tưởng mới mang tính đột phá, sáng tạo.

Khắc phục vấn đề này, cấp ủy, tổ chức Đảng phải nắm chắc các quy định của Đảng, tổ chức sinh hoạt Đảng nền nếp, chất lượng. Các quy định phải thực sự chặt chẽ để kiểm soát quyền lực người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý và không ngừng phát huy vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong đơn vị. Đồng thời, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ của cán bộ, đảng viên và quần chúng, để mọi người phải xem dân chủ là một động lực cho sự phát triển chứ không phải là sự đồng thuận thường xuyên, càng không phải là đồng thuận tuyệt đối. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải xem việc phát huy dân chủ là một nhu cầu cho bản thân và cho tổ chức, bởi nếu không phát huy dân chủ thì mỗi người không thể tự khẳng định mình, tổ chức đó càng khó có được sự đột phá để phát triển.

Tin cùng chuyên mục