Khai mạc Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 7

Khai mạc Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 7

* ASEAN+3 thành lập quỹ chung 80 tỷ USD
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp lãnh đạo các nước

Khai mạc Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 7 ảnh 1

Chiều 24-10, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có bài phát biểu đầu tiên trong phiên khai mạc Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 7 (ASEM-7) tại Đại lễ đường Nhân dân, với sự tham dự của hơn 40 nhà lãnh đạo châu Á và châu Âu. Ông Hồ Cẩm Đào cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, vận mệnh của 2 lục địa Á- Âu ngày càng gắn bó mật thiết với tương lai của cả thế giới.

Trong phiên họp kín lần thứ nhất với chủ đề “Tình hình kinh tế và tài chính thế giới”, các vị lãnh đạo thành viên ASEM - 7 đã thảo luận sâu về tình hình và xu thế phát triển kinh tế, tài chính quốc tế hiện nay. Một số biện pháp đã được thông qua như kêu gọi tất cả quốc gia tăng cường phối hợp, ban hành các chính sách quản lý tiền tệ, tài chính, ngân sách một cách có trách nhiệm; nâng cao tính minh bạch, củng cố tầm giám sát và tăng cường cơ chế quản lý khủng hoảng; xử lý một cách hợp lý mối quan hệ giữa sáng tạo và quản lý tài chính, đồng thời duy trì chính sách kinh tế vĩ mô lành mạnh, cải thiện việc giám sát và quản lý đối với tất cả chủ thể tài chính, đặc biệt là tính minh bạch của các chủ thể đó.

Sáng cùng ngày, nhằm tháo gỡ những bế tắc trong việc giải quyết nguy cơ khủng hoảng tài chính trong khu vực, 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản (ASEAN+3) đã nhất trí thành lập một quỹ dự trữ ngoại hối chung trị giá 80 tỷ USD để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Sáng kiến hợp tác tiền tệ trên là một cơ chế bảo đảm an toàn, theo đó mỗi nước tham gia sẽ được phép tiếp cận quỹ trong trường hợp khẩn cấp về tài chính. Theo kế hoạch, quỹ ASEAN+3 sẽ được thành lập vào cuối tháng 6-2009, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đóng góp 80% (khoảng 64 tỷ USD), số còn lại do các nước ASEAN đóng góp.

Bên lề Hội nghị ASEM-7, vào ngày 24-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Tổng thống Bulgaria Georghi Parvanov, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) José Manuel Barroso, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh.

Trong cuộc gặp Chủ tịch EC Barroso, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU). Trong lời đáp, Chủ tịch EC cho rằng nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn vững mạnh và ổn định, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và một số nước trong khu vực sẽ giúp tăng trưởng kinh tế ở các khu vực khác.

Chủ tịch EC tin tưởng Việt Nam và EU sẽ đạt được tiến triển trong đàm phán Hiệp định về đối tác và hợp tác giữa Việt Nam và EU (PCA). Chủ tịch EC đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam với tư cách là điều phối viên của tiến trình đàm phán Hiệp định Tự do thương mại giữa ASEAN với EU. 

N.P. (Theo THX, AFP, TTXVN)

Tin cùng chuyên mục