Khai thác tiềm năng bán lẻ truyền thống

Khái niệm kênh phân phối đa nhiệm đang thu hút sự chú ý. Mô hình công nghệ này được đánh giá sẽ giải quyết những tồn tại và nâng cấp khả năng kinh doanh cho kênh bán lẻ truyền thống. 
Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống quản lý bằng công nghệ để tăng quy mô và thị phần
Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống quản lý bằng công nghệ để tăng quy mô và thị phần

Việc tiếp xúc và phân phối sản phẩm dịch vụ của các nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối vào kênh bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa hiện gặp nhiều khó khăn, như hệ thống cồng kềnh, chi phí đầu tư và vận hành lớn, khó quản lý; hệ thống phân phối chưa đồng bộ với hệ thống marketing, chăm sóc khách hàng… Đấy chính là nguyên nhân khiến cho chi phí bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến việc kéo giảm giá thành sản phẩm.   

Theo ông Võ Tân Thành, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TPHCM, việc tiếp cận, phân phối hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt vào kênh bán lẻ truyền thống chưa đạt hiệu quả.

Nguyên nhân do hệ thống truyền thống phân phối tự mở ở dạng cục bộ, khiến DN phải tốn chi phí cao; việc quản lý giá, triển khai các chương trình tiếp thị, quảng cáo không thể đồng bộ đến với mọi hệ thống phân phối; tốn kém nhiều về chi phí kho bãi, giao nhận, khả năng mở rộng khó... Vì vậy, quyền lợi của các chủ cửa hàng tạp hóa, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. 

Từ thực tế này, việc “hiện đại hóa” chuỗi các cửa hàng tạp hóa truyền thống đã và đang là nhu cầu cấp thiết. Trong vài năm gần đây, nhiều DN cung cấp các phần mềm quản lý bán hàng cho các tiệm tạp hóa.

Chẳng hạn, Sapo X cung cấp phần mềm bán hàng tại cửa hàng và chuỗi; phần mềm KiotViet sử dụng công nghệ đám mây đáp ứng cho việc có thể truy cập dữ liệu bán hàng mọi lúc mọi nơi, chủ cửa hàng có thể cập nhật giá bán, xác nhận đơn hàng bán ra nhanh chóng và thuận tiện...

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), phân tích với nền tảng đưa công nghệ vào hệ thống, việc phân phối hàng hóa thông qua kênh chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa thuận tiện hơn.

Mô hình này góp phần làm giảm thiểu những khó khăn từ hệ thống kho bãi, đội ngũ chuyên viên kinh doanh, đội ngũ giao hàng; đồng thời công tác quản lý cũng đổi mới nên việc vận hành và quản trị thuận tiện, dễ dàng hơn.

Ưu thế của công nghệ là DN có khả năng kiểm soát tổng thể. Khi đó, hàng hóa tập kết ở kho bãi trung tâm, rồi được điều phối phân bổ đến mạng lưới bán lẻ (ước có đến hơn 900.000 điểm bán hàng tạp hóa, chợ truyền thống trên cả nước). Bên cạnh đó, DN còn có thể hỗ trợ trực tiếp cho các điểm bán hàng vốn là kênh tiếp xúc, bán hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. 

Ông Vincent Lữ Thế Hùng, Giám đốc thương mại của BBLink, cho biết bằng các giải pháp công nghệ cao ứng dụng trong quản trị và vận hành như trí tuệ nhân tạo (AI), Big data, DN dễ dàng phân phối hàng hóa đến toàn thị trường chỉ trong vòng 1 - 2 tuần, kiểm soát được lượng hàng tồn kho, hàng hóa di chuyển và phân phối đến từng điểm bán, lưu lượng hàng phân bổ trên thị trường, dự báo doanh thu trong tương lai… Từ đó, dễ dàng kiểm soát và tối ưu hiệu suất kinh doanh một cách tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục