Khám sức khỏe định kỳ: Chìa khóa để cơ thể khỏe mạnh

Không phải ngẫu nhiên người xưa có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thế nhưng lâu nay, nhiều người dân Việt Nam vẫn xem nhẹ việc khám sức khỏe định kỳ. Đây cũng là lý do khiến cho việc phát hiện bệnh trễ, để lại hậu quả nghiêm trọng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần thay đổi thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm, điều trị hiệu quả, giảm chi phí y tế. 

Bệnh trở nặng do chủ quan    

Là một kỹ sư xây dựng thường xuyên đi công trình từ Nam ra Bắc, anh Hoàng Sỹ Minh (35 tuổi) vẫn luôn cho rằng mình khỏe mạnh, bởi anh ít khi mắc bệnh vặt, các vấn đề sức khỏe khác cũng hiếm gặp. Hai năm trước, thỉnh thoảng anh có cảm giác mệt mỏi, buồn nôn.

Bận công tác liên miên, anh Minh “tặc lưỡi” cho qua và nghĩ mình bị đau dạ dày, ăn uống điều độ, đúng giờ sẽ hết bệnh. Thời gian gần đây, các cơn mệt mỏi xuất hiện thường xuyên hơn, chân tay có dấu hiệu phù, anh Minh mới quyết định đi khám bệnh. Hóa ra, anh không bị đau dạ dày mà là suy thận cấp tính. Một thời gian sau, anh Minh phải chạy thận nhân tạo do bệnh đã chuyển sang mạn tính, chờ ghép thận khi có cơ hội.

Hối hận vì đã bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo để bệnh quá nặng, anh Minh nói: “Nếu đi khám bệnh sớm hơn, có lẽ bây giờ tôi không phải sống suốt đời với máy lọc như thế này; công việc cũng không còn, cuộc đời gần như mất tất cả”.

Bà Trần Ngọc Mai (62 tuổi) cũng phát hiện mình bị ung thư phổi một cách rất tình cờ. Những cơn ho, khó thở, mệt mỏi xuất hiện liên tục thời gian gần đây khiến bà nghi ngờ mình mắc Covid-19. Sau khi có kết quả âm tính, bà Mai đã gặp bác sĩ để được tư vấn. Theo lời kể các triệu chứng của bà Mai, bác sĩ khuyên bà tầm soát ung thư phổi và kết quả hoàn toàn bất ngờ, bà Mai mắc ung thư phổi giai đoạn 2.

“Tôi vẫn may mắn vì phát hiện bệnh ở giai đoạn 2, bác sĩ nói là khả năng điều trị thành công rất lớn và tôi vẫn có cơ hội sống khỏe mạnh, thế nhưng cùng đi khám với tôi có nhiều người phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn 4, vì thế tôi khuyên mọi người nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên để sớm phát hiện bệnh”, bà Mai chia sẻ. 

Khám sức khỏe định kỳ: Chìa khóa để cơ thể khỏe mạnh ảnh 1  Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM khám tổng quát cho bệnh nhân

“Bỏ quên” khám sức khỏe định kỳ là tình trạng chung của nhiều người dân Việt Nam. Theo các bác sĩ, bên cạnh những người dân có điều kiện kinh tế khá, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ thì vẫn còn rất nhiều người chưa đủ điều kiện để khám sức khỏe thường xuyên.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp cũng “lách luật”, cố tình quên tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên. Ngoài ra, với tâm lý ngại đi khám vì sợ “tìm ra bệnh”, nhiều người đã chờ đến lúc bệnh có biểu hiện nặng, hoặc không chịu nổi mới đi khám thì đã không còn cơ hội điều trị. Đây là quan niệm sai lầm, vô cùng nguy hiểm. 

Phát hiện bệnh sớm, giảm chi phí điều trị

Nói về vai trò của khám tầm soát sức khỏe định kỳ, bác sĩ Đỗ Đức Tín, Khoa Khám sức khỏe tổng quát, Bệnh viện Quốc tế City, chia sẻ, khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề bất thường về sức khỏe trước khi cơ thể có biểu hiện bệnh, từ đó giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian điều trị và tiết kiệm tiền bạc. Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích trong việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, nhằm nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Quan trọng hơn, sau mỗi lần khám, các dữ liệu về sức khỏe của người bệnh được cập nhật liên tục trong phần mềm quản lý tại cơ sở khám chữa bệnh. Đây là những thông tin quan trọng, giúp các bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán về tình trạng bệnh trong những lần thăm khám tiếp theo.

Chung quan điểm, PGS-TS-BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho hay, vai trò của tầm soát, khám bệnh định kỳ vô cùng quan trọng, bởi ngoài việc phát hiện bệnh sớm, điều trị ở giai đoạn sớm thì còn chẩn đoán được nguy cơ, từ đó có sự điều chỉnh hành vi, lối sống ngăn ngừa bệnh.

Điều trị phòng ngừa, điều trị nguy cơ sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều, kèm theo đó là sự điều chỉnh hành vi, lối sống giúp giảm thiểu nguy cơ. Ví dụ, một người qua tầm soát phát hiện có nguy cơ mắc huyết áp sẽ điều chỉnh lối sống, hành vi như ăn nhạt, giảm đạm, mỡ, cai thuốc lá, tăng cường vận động…  

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, chủ động khám sức khỏe định kỳ có thể giảm 25% chi phí khám chữa bệnh, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ, thiếu máu đến 13%-16%... Đơn cử như việc phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh ung thư có ảnh hưởng quyết định rất lớn đến biện pháp can thiệp, kết quả điều trị và tiên lượng bệnh.

Còn với bệnh tiểu đường, nếu phát hiện bệnh sớm, người bệnh có thể tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm. Rất nhiều trường hợp, bên ngoài rất bình thường, khỏe mạnh nhưng thực tế bên trong lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. Những nguy cơ này sẽ không thể phát hiện được nếu không thăm khám sức khỏe định kỳ.

Cũng có người ngại ngần khi phải chi trả một khoản tiền cho kiểm tra sức khỏe, nhưng khi so sánh con số ấy với số tiền phải nhập viện điều trị thì thực sự là một sự chênh lệch rất lớn mà chưa chắc đã chữa khỏi. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, việc khám sức khỏe định kỳ cần được xem như là thói quen, không chỉ ở người lớn mà còn cả trẻ em.

Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức y khoa, mỗi người cần được khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm để kịp thời sàng lọc, phát hiện sớm và phòng ngừa những rủi ro về sức khỏe.

Tin cùng chuyên mục