Năm nay, TP tiếp tục tuyển dụng giáo viên không có hộ khẩu TP, đồng thời nâng chuẩn trình độ đào tạo theo quy định mới của Luật Giáo dục.
Thiếu giáo viên các môn năng khiếu
UBND quận 2 vừa phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành giáo dục và đào tạo năm 2020. Theo đó, năm học 2020-2021, quận này cần tuyển 76 giáo viên và 11 nhân viên cho các trường mầm non, tiểu học (TH) và trung học cơ sở (THCS). Trong đó, khối THCS tuyển nhiều nhất với 36 người (27 giáo viên, 9 nhân viên), kế đến là bậc TH (28 giáo viên, 1 nhân viên) và bậc mầm non (17 giáo viên, 1 nhân viên).
Như vậy, tổng nhân sự cần bổ sung của quận này tăng 11 giáo viên và 8 nhân viên so với năm học trước. Tương tự tại quận 3, năm học mới, quận cần tuyển 77 giáo viên, gồm 10 giáo viên mầm non, 22 giáo viên TH, 37 giáo viên THCS, 4 giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên và 4 giáo viên hệ giáo dục đặc biệt. So với năm học 2019-2020, nhu cầu tuyển dụng giáo viên giảm nhẹ ở hai bậc mầm non và TH, nhưng bậc THCS tăng thêm 9 giáo viên.
Tại quận 9, năm học mới, toàn quận cần tuyển thêm 348 giáo viên và 56 nhân viên. Cụ thể, bậc mầm non có 11 trường cần bổ sung 45 giáo viên, trong đó 2 trường cần tuyển nhiều nhất là Mầm non Long Thạnh Mỹ (10 giáo viên) và Mầm non Tuổi Thơ (8 giáo viên). Bậc TH có 20 trường và bậc THCS có 13 trường tuyển dụng. Trong đó, Trường TH Nguyễn Thị Bưởi dẫn đầu với 12 giáo viên dạy nhiều môn, 5 giáo viên Anh văn, 1 giáo viên Tin học, 1 giáo viên Mỹ thuật, 2 giáo viên Thể dục, 1 Tổng phụ trách đội và 3 nhân viên.
Riêng tại quận 4, UBND quận đã phê duyệt kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo từ tháng 5-2020. Đến nay, cả 3 bậc mầm non, TH và THCS đều có lượng ứng viên đăng ký cao hơn chỉ tiêu tuyển dụng, bậc THCS nhiều hồ sơ nhất, dù chỉ tuyển có 19 giáo viên, 3 nhân viên. Đặc biệt, tại quận Bình Tân, ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết, kế hoạch tuyển dụng giáo viên sẽ công bố sau thời điểm khai giảng năm học mới, bởi tình hình nhân sự ở các trường tương đối ổn định, quận sẽ tuyển bổ sung các vị trí giáo viên môn năng khiếu như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học…
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tỷ lệ giáo viên tiểu học/lớp hiện nay trên toàn TP là 1,34, chưa đủ đáp ứng tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên ở các môn năng khiếu. Theo một cán bộ Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, hiện sở chưa đủ căn cứ pháp lý để chỉ đạo và hướng dẫn các trường xây dựng vị trí việc làm bổ sung với 2 môn Tiếng Anh và Tin học. Sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn “mở” đối với một số địa phương mang tính đặc thù.
Một số thay đổi trong tuyển dụng
Ở bậc THPT, năm học 2020-2021, Sở GD-ĐT TP cần tuyển 456 giáo viên và 58 nhân viên để bổ sung nhân sự tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc. Tổng chỉ tiêu tuyển dụng năm nay tăng 13 giáo viên nhưng giảm 30 nhân viên so với năm trước. Lý giải thực tế này, hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3 cho biết, do một số trường đã chủ động phân bổ nhân sự kiêm nhiệm đối với các vị trí nhân viên thiết bị, thí nghiệm, công nghệ thông tin nên nhu cầu tuyển giảm nhẹ. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng giáo viên hàng năm luôn thay đổi theo chiều hướng tăng do yêu cầu mở rộng quy mô trường, lớp và đa dạng các loại hình đào tạo.
Năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19 nên công tác tuyển dụng giáo viên bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 7, trễ hơn 1 tháng so với các năm trước. Tuy nhiên, điểm mới của tuyển dụng năm nay là cho phép tuyển thêm vị trí nhân viên quản trị hệ thống (làm việc tại các trung tâm thông tin và chương trình giáo dục của các cơ sở đào tạo), yêu cầu có bằng tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc ngành đào tạo gần với công nghệ thông tin, có trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh) bậc 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, đây là năm thứ ba TP bỏ điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng viên chức nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Dự kiến, kết quả tuyển dụng sẽ niêm yết công khai trên trang thông tin điện tử của Sở GD-ĐT vào ngày 24-8-2020.
Ngoài ra, từ ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục năm 2019 chính thức có hiệu lực thi hành, thay thế Luật Giáo dục năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009. Trong đó, trình độ giáo viên mầm non được nâng chuẩn từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm; giáo viên TH nâng từ trung cấp sư phạm lên cử nhân; giáo viên THCS từ cao đẳng sư phạm lên cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên. Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.