Khát nguồn nước sạch

Khát nguồn nước sạch

Dù sống bên cạnh đường ống cấp nước của Công ty cổ phần (CP) Cấp nước Chợ Lớn nhưng người dân của 3 ấp: 4, 4A và 4B, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM vẫn không được gắn đồng hồ nước. Hàng ngày, bà con phải mua nước giếng để dùng nhưng vẫn canh cánh nỗi lo cho sức khỏe, bởi nguồn nước này có nhiều tạp chất, chỉ được lọc sơ sài.

Theo người dân phản ánh, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do khu vực nằm trong quy hoạch Khu đô thị mới Nam Sài Gòn (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1994). Do vậy, chỉ những hộ nằm ở mặt tiền đường Phạm Hùng (một phần rất nhỏ) mới được gắn đồng hồ nước. Đối với đa số hộ còn lại sống trong hẻm, Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn không chịu đầu tư hệ thống cấp nước do lo ngại sẽ bị thiệt hại một khi các dự án của khu quy hoạch được triển khai. Tuy nhiên theo người dân, nếu các dự án trong khu vực còn tiếp tục bị chậm, thì cũng đồng nghĩa với việc họ phải sống trong cảnh chẳng biết đến bao giờ mới được dùng nước sạch.

Một trong những đơn xin cấp nước có kèm theo chữ ký tập thể mà người dân gởi đến các cơ quan chức năng.

Một trong những đơn xin cấp nước có kèm theo chữ ký tập thể mà người dân gởi đến các cơ quan chức năng.

Nói đến chuyện nước, ông Bùi Văn Năm (số nhà C6/9A, ấp 4A) thở dài: “Khoảng 2 năm trước, khi nghe có đường ống nước máy đi ngang đường Phạm Hùng, bà con ở đây ai cũng mừng, nhưng rồi chờ đến nay vẫn không thoát được cảnh phải xài nước giếng”.

Anh Hoàng Vũ Lợi (Tổ trưởng tổ 203, ấp 4A) cho biết: “Bà con ở đây ai cũng mong có nước sạch để dùng. Bản thân tôi đã nhiều lần mang đơn của bà con lên UBND xã Bình Hưng và Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn để xin cấp nước mà chưa được”. Hiện tại, nguồn nước bà con sử dụng chủ yếu mua từ các giếng khoan trong khu vực với giá 7.000 – 10.000 đồng/m³. Một số hộ do phải mua qua một hộ khác nữa nên mức giá lên đến 14.000 đồng/m³. Do chỉ được lọc sơ sài nên chuyện nước bị cặn, đục, đóng phèn là thường xuyên. Anh Huỳnh Văn Bé (số nhà C3/45, ấp 4) nói: “Tôi chỉ dám sử dụng nước giếng cho việc tắm giặt, còn ăn uống thì phải mua thêm nước đóng bình”.

Trước nỗi bức xúc cũng như nhu cầu cấp thiết của người dân, được biết UBND xã Bình Hưng đã làm việc với Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn. Công ty này đã đưa ra hướng giải quyết như sau: Sẽ gắn đồng hồ tổng trước hẻm với điều kiện là người dân phải chịu hoàn toàn chi phí lắp đặt; cam kết không đòi bồi thường khi Ban quản lý Khu đô thị mới Nam Sài Gòn triển khai giải phóng mặt bằng.

Người dân các ấp: 4, 4A, 4B mong mỏi được dùng nước sạch thay cho việc phải dùng nước giếng như hiện nay. Ảnh: P.T.

Người dân các ấp: 4, 4A, 4B mong mỏi được dùng nước sạch thay cho việc phải dùng nước giếng như hiện nay. Ảnh: P.T.

Ngoài ra, những hộ dân xa khu vực ống cấp nước, khi có nhu cầu gắn đồng hồ nước tập thể thì tập thể dân trong khu vực cử đại diện hộ dân quản lý và thanh toán chi phí sử dụng nước; làm thủ tục như các hộ dân xin cấp nước riêng lẻ (áp dụng với khu có quy hoạch). Hướng giải quyết này, hiện người dân ở đây vẫn chưa thống nhất. Bởi theo tính toán, để có nước sạch đến nhà thì chi phí mỗi hộ phải bỏ ra khoảng trên 5 triệu đồng, trong khi đời sống của đa số bà con còn khá khó khăn. Mặt khác, ai sẽ đứng ra nhận trách nhiệm làm đại diện để quản lý và thanh toán với Công ty CP Cấp nước Chợ Lớn (kể cả phải gánh lấy phần thiệt hại nếu có thất thoát), cũng là vấn đề khó.

Từ những thực tế trên, thiết nghĩ các ngành chức năng cần ngồi lại với nhau và đưa ra hướng giải quyết thật thỏa đáng, phù hợp với nguyện vọng lẫn hoàn cảnh của người dân.

THANH PHÚC

Tin cùng chuyên mục