Khi học sinh... vô cảm

KHÁNH HÀ
Khi học sinh... vô cảm

Ngày 4-5, trên mạng xã hội lan truyền clip về một nữ sinh lớp 8 bị bạn học đánh bôm bốp vào mặt, chảy cả máu mũi lẫn máu miệng, trong khi bạn bè xung quanh vô cảm chứng kiến quay clip và đếm những cú đòn bạo lực dã man mà không hề can ngăn.

Khi học sinh... vô cảm ảnh 1

Em học sinh ngồi chịu 52 cái tát từ bạn cùng lớp. Ảnh cắt từ clip

Chỉ kéo dài 1 phút, nhưng clip này đã ghi lại đầy đủ 52 cái tát mạnh bạo của cô gái mặc áo xanh nước biển với nữ sinh mặc đồng phục màu trắng - xanh. Sự việc này được xác định là xảy ra ở Trường THCS 15/10 thuộc Tiểu khu Tiền Tiến, thị trấn Nông Trường, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Khoan đề cập đến mâu thuẫn phát sinh và biến thành hành động bạo lực của hai nữ sinh mới 14 tuổi này, những ai xem clip bạo hành này đều cảm thấy đau xót, nhức nhối bởi sự vô cảm trước cái ác xảy ra ngay trong lớp học. Trong khi một nữ sinh mặc áo khoác xanh hung hăng tát bạn và nạn nhân tỏ ra lì lợm, thách thức người đánh mình thì tất cả bạn học chứng kiến vụ việc lại a dua, vô tư cười đùa. Không những thế, có em còn giúp kẻ bạo hành đếm từng cái tát như thể đồng hành với cái ác. Âm thanh của những cái tát kéo dài như cứa vào lòng người, thách thức sự chịu đựng của bất kỳ ai sợ đòn roi. Và hình ảnh nạn nhân chịu đựng sự bạo hành, máu mũi, máu miệng ứa ra khiến chúng ta xót xa như thể cái ác thắng thế. Vì sao nhiều học sinh lại vô cảm, bị chủ nghĩa “mackeno” thuần phục và bỏ mặc bạn mình bị ức hiếp, bị ăn đòn liên tục như vậy?

Thật không thể ngờ rằng ở độ tuổi trong sáng, hồn nhiên ở thế giới học trò, các em lại có thể biểu lộ sự độc ác, hành động xấu xa với bạn học của mình. Đâu rồi những bài học đạo đức được nuôi dưỡng, bồi đắp từ cấp tiểu học đến THCS? Đâu rồi những bài học giáo dục về sự tử tế, tính nhân văn, lòng sẻ chia ở sân trường, lớp học và cuộc sống xung quanh ta? Vì sao ngày càng có nhiều nữ sinh trở nên hung hăng, thể hiện tính côn đồ, ra tay đánh bạn dã man ở ngay môi trường học đường?

Trước thực trạng bạo lực học đường gia tăng, ngành GD-ĐT cứ tiếp tục bàn thảo, lên tiếng, cảnh báo… Nhưng sự thật là chúng ta, dư luận vẫn phải chứng kiến thêm nhiều vụ việc đáng sợ hơn, tính bạo lực, vô cảm tăng hơn. Thay vì nhồi nhét kiến thức, tạo áp lực thi cử, học hành, hãy giúp học trò biết trân quý giá trị của cuộc sống, mở lòng, biết sống yêu thương, nhân văn. Điều quan trọng là trang bị kỹ năng sống để các em biết ứng xử, hóa giải những bất đồng, mâu thuẫn thay vì dùng bạo lực, nắm đấm dã man để “nói chuyện” với nhau… 

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục