Khi người trẻ theo đuổi văn chương

Những năm gần đây, văn học trẻ càng trở nên sôi động với nhiều tác phẩm độc đáo, đa dạng đề tài. Những tác giả trẻ đã không ngần ngại tiếp cận, thử sức với những vấn đề mới, gai góc và xem sáng tạo như là đam mê của mình.

Trải nghiệm thực tế bằng nhiều cách

Mới đây, tại Đường sách TPHCM, NXB Trẻ vừa tổ chức chương trình giao lưu Trò chuyện văn chương, quy tụ 5 tác giả trẻ đã và đang được chú ý hiện nay: Huỳnh Trọng Khang, Yang Phan, Phát Dương, Nguyễn Đinh Khoa và Võ Đăng Khoa. Điểm chung của họ là có công việc kiếm sống riêng và đến với văn chương một cách tự phát, không qua trường lớp. Chính vì vậy, họ gặp thách thức nhiều hơn trong hành trình theo đuổi văn chương, nhưng đồng thời cũng giúp họ có cơ hội quan sát cuộc sống từ nhiều khía cạnh và đưa ra những góc nhìn khác nhau.

Đó cũng là hướng đi chung của nhiều tác giả trẻ hiện nay, lựa chọn những chất liệu tự nhiên, nhỏ nhặt trong đời sống xung quanh; nhưng để tìm kiếm những chất liệu độc đáo giữa những cái ai cũng thấy không phải đơn giản, nhất là với người trẻ vốn thiếu thốn kinh nghiệm sống. Cây bút trẻ Võ Đăng Khoa chia sẻ: “Có những chi tiết nhỏ, khi chúng ta chịu khó quan sát và đào sâu thì nó có thể phát triển thành một tác phẩm. Đồng thời, việc đặt ra và giải quyết những câu hỏi về vấn đề mình tìm thấy có thể dần tạo thành mạch truyện và dựa vào sáng tạo để hoàn chỉnh câu chuyện”.

Các tác giả trẻ khác, người lựa chọn cách quan sát tỉ mỉ những điều xung quanh, người chọn cách tìm đọc nhiều sách và kết hợp với trí tưởng tượng, góc nhìn cá nhân để mang đến sản phẩm màu sắc phong phú, thể hiện tinh thần, vẻ đẹp của văn chương… Huỳnh Trọng Khang lý giải: “Có thể đọc nhiều thể loại, không nhất thiết phải là văn chương mà có thể là khoa học, tài chính... Đó là những kiến thức mà có lẽ không sử dụng được ngay trong sáng tác mới, nhưng nó sẽ ở lại trong đầu mình và giúp mình bổ sung thêm cách tiếp cận, suy nghĩ về đề tài. Đến một lúc nào đó, trong quá trình viết, nếu cần thì chúng ta có thể triển khai”.

Điểm đặc trưng của các cây bút trẻ là họ thường khai thác, viết về những mối bận tâm, lo âu của giới trẻ đương đại và luôn gắn liền với bối cảnh xã hội và thế giới, như: sự cô đơn, chữa lành, trí tuệ nhân tạo, hay môi trường...

“ Nếu đã xác định theo đuổi văn chương, mỗi ngày chúng ta phải ngồi vào bàn và viết. Mặc dù khi viết xong có thể sẽ không sử dụng được và sau đó phải bỏ đi hết nhưng chúng ta vẫn phải duy trì một nhịp độ nhất định thì câu chuyện mới hoàn thành. Tuy vậy, cũng cần đặt mục tiêu phù hợp và không vượt quá sức để đảm bảo chất lượng cho sáng tác của mình”, nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang chia sẻ.

O6a.jpg
Các tác giả trẻ tham gia giao lưu (từ phải qua): Võ Đăng Khoa, Phát Dương, Đinh Khoa, Yang Phan và Huỳnh Trọng Khang

Mở rộng đầu ra cho tác phẩm

Với sự tiện lợi của công nghệ và hỗ trợ từ các nền tảng số, các tác giả trẻ hiện cũng có nhiều cách hơn để công bố hoặc đưa tác phẩm của mình đến gần với độc giả, không còn giới hạn ở sách in, như: sách điện tử, sách nói, podcast... hay trên các website cá nhân.

Theo ông Nguyễn Thành Nam, Phó Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ, chính nhờ việc cởi mở hơn trong phổ biến tác phẩm đã góp phần gia tăng sáng tác của các bạn trẻ, tạo thuận lợi cho đơn vị xuất bản có thêm nguồn bản thảo tốt. “Khi lựa chọn tác phẩm đầu tay của các bạn trẻ, NXB chú trọng vào chất lượng nội dung, xem nó có phù hợp với độc giả hay không và khả năng sáng tác, văn phong của các bạn. Chúng tôi không có tiêu chí cụ thể bởi vì văn chương nằm ở cảm nhận. Chúng tôi vẫn luôn khuyến khích các tác giả gửi tác phẩm về NXB Trẻ, sẽ có đội ngũ biên tập viên của NXB luôn hỗ trợ các tác giả trong việc góp ý về đề tài và cách viết”, ông Nguyễn Thành Nam, cho biết.

Chia sẻ về khó khăn khi phát hành tác phẩm đầu tay, hay các ấn phẩm về sau, tác giả Phát Dương cho biết, những khó khăn này có thể đến từ thể loại mình theo đuổi không phù hợp với định hướng của NXB, có một số chi tiết hoặc từ ngữ không đúng và nhạy cảm.

“Có một số tác phẩm của tôi ban đầu không được đánh giá cao, nhưng sau này, khoảng 5 năm sau, tôi sửa lại thì nó vẫn được xuất bản. Do đó, tôi nghĩ là cần cố gắng không ngừng để trau dồi bản thân, nâng cao kỹ năng thì sẽ được. Quan trọng hơn, chúng ta nên cởi mở trong tiếp nhận nhận xét, phản hồi và đánh giá từ NXB hay biên tập viên”, tác giả Phát Dương bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục