
Với một thông tư liên tịch về việc hướng dẫn phòng, chống in lậu xuất bản phẩm (văn bản dự thảo) vừa được đưa ra “trưng cầu dân ý” trong toàn ngành cùng các đơn vị liên quan, Hội nghị bàn về “chứng bệnh” in sách lậu (do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức đầu tháng 7, tại Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc) đã khép lại với nhiều điều chưa ổn…
Bế tắc biện pháp chống sách lậu

Truyện tranh, lĩnh vực vi phạm bản quyền nhiều nhất và trắng trợn nhất hiện nay. Ảnh: Đ.H.
Trong số 4 hạng mục lớn của Thông tư liên tịch thì mục “Các biện pháp phòng và chống in lậu” là phần thu hút sự quan tâm và được các đại biểu tham dự đưa ra bàn thảo sôi nổi hơn cả. Giải pháp chống in lậu nhìn từ góc độ xuất bản(khai thác, quản lý bản thảo, biên tập, in, thanh tra, kiểm tra...) cho đến góc độ phát hành: hạ giá sách xuống kịch giá sàn, tem chống giả..., nhìn chung vẫn còn những điểm chưa thấu đáo, thông suốt.
Việc áp dụng biện pháp dán tem chống giả, hoặc hạ giá thành sản phẩm được xem là một giải pháp khả thi hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế thì chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Lý do chủ yếu là việc làm giả tem không khó, thêm nữa bạn đọc vẫn chưa có thói quen phân biệt sách giả, sách nhái từ việc xem xét một con tem nhỏ dán trên ấn phẩm (thông thường rất dễ bị bỏ qua).
Biện pháp hạ thấp giá sách xuống cũng được cho là không khả thi vì các nhà xuất bản (NXB) cho dù có hạ thấp giá sách đến “kịch sàn” thì cũng không thể thấp bằng hoặc thấp hơn giá sách in lậu. Đầu nậu sách lậu không hề tốn tiền cho các chi phí giao dịch, tác quyền, biên tập, thiết kế, thuế... nên chi phí làm sách đương nhiên thấp hơn doanh nghiệp chân chính nhiều lần. Đó là chưa kể nếu bị phát hiện, thì với mức xử phạt kinh tế hành chính quá nhẹ và mang tính hình thức như hiện nay thì không thể ngăn chặn được nạn in lậu.
Quân ta đánh quân mình
Nếu như nội dung của thông tư cũng như các vấn đề đưa ra thảo luận tại hội nghị mới chỉ dừng lại ở việc chống in lậu mà các nhà xuất bản là nạn nhân; thì vẫn còn một vấn đề lớn và nghiêm trọng hơn đó là việc xuất bản các ấn phẩm chưa có tác quyền (đồng nghĩa là xuất bản lậu). Ở tình huống này các nhà xuất bản vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.
Công ước Bản quyền và Luật xuất bản sửa đổi đã được thực thi hơn hai năm, thế nhưng, vẫn thật dễ dàng để tìm ra các đầu sách (cả trong nước và nước ngoài) vi phạm bản quyền. Như cuốn Dế mèn phiêu lưu ký, Búp sen xanh… mặc dù bản quyền đã thuộc về NXB Kim Đồng từ lâu nhưng một số NXB khác vẫn cứ thản nhiên xuất bản lại các tác phẩm này mà không đếm xỉa gì đến luật bản quyền hay công ước Berne.
Đối với các ấn phẩm nước ngoài, những cuốn sách nổi tiếng đều bị “luộc” không thương tiếc như Harry Potter (NXB Trẻ), Hillary Clinton và chính trường nước Mỹ (bản quyền First News)… Nhìn ra thị trường xuất bản truyện tranh, tình trạng làm sách không bản quyền còn trầm trọng hơn khi mỗi tuần có từ 50 - 60 đầu truyện tranh được xuất bản với đầy đủ giấy phép mà không hề có tác quyền (Vua trò chơi, Trường học không gian. – NXB Thanh Hóa, Khúc hát tuyệt vời, Nhật ký phóng viên truyền hình – NXB Đà Nẵng)...
Chống sách lậu từ trong ra
Dường như trong giới xuất bản có những đơn vị đến nay vẫn duy trì chiến lược: Miệng hô thực thi Berne còn tay vi phạm (?). Hệ quả của tình trạng này là đã tạo ra một sân chơi không công bằng giữa các NXB thực thi nghiêm túc bản quyền với các đơn vị vi phạm bản quyền. Việc sẽ không chỉ dừng lại trên phương diện ảnh hưởng doanh thu, kinh tế của các NXB; xâm hại quyền lợi tác giả - không kích thích được sự sáng tạo mà còn mất uy tín nghiêm trọng với các đối tác nước ngoài khi tạo cho đối tác suy nghĩ rằng Việt Nam là một thị trường xuất bản không đáng tin cậy. Điều này đã xảy ra đối với một số trường hợp đi thương lượng mua bản quyền vừa qua.
Tại thời điểm hiện nay, việc ban hành thông tư mới này là một động thái tích cực (lẽ ra cần được làm sớm hơn). Tuy nhiên để thông tư đi vào đời sống mà không dừng lại ở văn bản hành chính cũng như phát huy hiệu quả tối đa, đòi hỏi phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc. Mặt khác các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra luôn phải làm thật sát sao, triệt để. Nhất là trong việc đề ra các biện pháp quản lý, xử lý nghiêm và nặng hơn về kinh tế đối với các xuất bản phẩm không có tác quyền.
Đỗ Hương