>> Tổng thống đắc cử Mỹ D. Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay ngày làm việc đầu tiên
Trong một đoạn video công bố ngày 21-11, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiết lộ kế hoạch trong 100 ngày đầu tiên làm tổng thống, trong đó chú trọng đến các vấn đề: thương mại, nhập cư và chính sách quốc phòng. Đáng chú ý nhất, ông Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày làm việc đầu tiên ở Nhà Trắng, thay vào đó, sẽ là các thỏa thuận thương mại song phương “công bằng” nhằm mang “việc làm và các ngành công nghiệp trở lại Mỹ”.
Ảnh cắt từ video công bố kế hoạch 100 ngày sau nhậm chức của Donald Trump
Phản ứng trước tuyên bố của ông Trump, theo báo Japan Times, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng TPP sẽ “vô nghĩa” khi không có Mỹ. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga từ chối bình luận về thông tin trên video của ông Trump, nói rằng ông Trump vẫn chưa trở thành tổng thống. Trong khi đó, Gerald Curtis, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Columbia (Mỹ), cho biết vẫn còn hy vọng mỏng manh tình hình có thể đảo ngược vì ông tin rằng phần lớn nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện đều ủng hộ TPP.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa qua, đã có đề xuất cho rằng 11 thành viên còn lại của TPP nên tiếp tục xúc tiến hiệp định này mà không cần có Mỹ. Báo Financial Review của Australia dẫn lời Bộ trưởng Thương mại nước này Steve Ciobo nói về khả năng đàm phán lại TPP với phiên bản ít tham vọng hơn. Trước mắt, ông Ciobo cho biết Chính phủ Australia sẽ tiếp tục đẩy mạnh và cố gắng thông qua TPP tại quốc hội, bất chấp sự phản đối của đảng Xanh và Công đảng đối lập. Ông Ciobo cho biết 11 nước trong TPP có thể quay trở lại bàn đàm phán để thực hiện những thay đổi nhỏ vì Mỹ rút và thay vào là Trung Quốc hay Indonesia. Cũng tại Hội nghị cấp cao APEC vừa qua tại Peru, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla chính thức đề nghị thành lập một khối thương mại mới có thể đối trọng với sự thống trị của cả Mỹ và Trung Quốc khi Mỹ rút khỏi TPP. Theo Jakarta Post, với vị trí chiến lược của ASEAN và APEC, Indonesia kêu gọi các thành viên APEC xem xét hình thành khối thương mại tự do giữa ASEAN và các thành viên APEC.
Còn theo Thủ tướng New Zealand John Key, là thành viên TPP, New Zealand thất vọng nhưng không ngạc nhiên trước quyết định của ông Trump. Theo ông Key, đến một lúc nào đó, Mỹ sẽ suy nghĩ lại về cách làm thế nào để tiếp cận những thị trường phát triển nhanh ở châu Á và vai trò của Mỹ ở châu Á. New Zealand và Australia là 2 nước ủng hộ mạnh mẽ nhất TPP. Tuy nhiên, họ đã báo hiệu có thể ủng hộ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc khởi xướng.
Theo các nhà phân tích, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ thay Mỹ đẩy nhanh các hiệp định thương mại khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tờ Financial Times dẫn lời ông Frederic Neumann, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại Ngân hàng HSBC Hồng Công nói: “Mỹ không chỉ mất đòn bẩy kinh tế mà còn về chính trị ở châu Á khi rút khỏi TPP”. Theo ông, Trung Quốc hiện có thể sử dụng sức mạnh thị trường nội địa rộng lớn của mình trong thương lượng và đưa các nền kinh tế khác gần hơn với quỹ đạo của Trung Quốc. Khi đó, các công ty Mỹ sẽ thiệt hại. Các nhà kinh tế dự báo, ước tính nếu Mỹ áp đặt mức thuế 40% trên tất cả các hàng nhập khẩu, GDP của Mỹ sẽ giảm 1,2%. Nếu tất cả các nước trả đũa, GDP của Mỹ sẽ giảm 5,2%, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
THỤY VŨ