
Điển hình là bệnh nhân Đ.Đ.Đ (quận 5), sau 2 ngày xuất hiện triệu chứng mệt mỏi đã suýt ngã quỵ trên đường từ cơ quan về nhà khi đột ngột xuất hiện cảm giác lạnh run, trong khi cơ thể đang sốt cao trên 39 độ.

Bệnh nhân này kịp vào cấp cứu tại một BV gần nhất. Chỉ số ban đầu cho thấy huyết áp không ổn định, lúc cao lúc thấp. Sau khi thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán, bác sĩ vẫn không xác định được nguyên nhân. Khi được xét nghiệm và siêu âm tổng quát, các y bác sĩ cũng không phát hiện được nguyên nhân chính gây sốt cao. Qua nhiều ngày tích cực điều trị theo hướng truyền dịch và uống thuốc thải độc, bệnh lui dần và kết luận của bác sĩ là nhiễm siêu vi.
Tương tự, bệnh nhân H.D.H 26 tuổi (quận 3) sốt cao 40 độ liên tục trong suốt 3 ngày. Nhập BV Bệnh nhiệt đới, đến ngày sốt thứ 5, các bác sĩ cũng chẩn đoán bị nhiễm siêu vi. Còn rất nhiều trường hợp khác, nhất là các bệnh nhi, sau khi xét nghiệm và chẩn đoán, cũng nhận được kết luận: “Nhiễm siêu vi”.
Vừa qua, một bệnh nhân sốt cao liên tục hơn 1 tháng, BV Bệnh nhiệt đới TPHCM làm đủ các xét nghiệm cần thiết, loại trừ hết khả năng nhiễm trùng cũng không xác định được nguyên nhân. Khi bệnh nhân được chuyển sang BV Chợ Rẫy chẩn đoán cũng không có kết luận mới. Sau đó bệnh nhân tử vong, các bác sĩ chỉ nghĩ đến bệnh lý rối loạn miễn dịch.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường-Khoa nhiễm D thuộc BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cho biết, nhiễm siêu vi là ngôn từ khá chung chung, đồng thời cũng là loại bệnh khó chẩn đoán. Hiện nay, phổ biến nhất là nhiễm siêu vi đường hô hấp, bệnh nhân nhập viện điều trị khá đông. Đây là bệnh chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thể dùng thuốc điều trị triệu chứng. Sau khoảng 5 ngày, bệnh cũng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, do bệnh lây trực tiếp qua đường hô hấp nên có nhiều người cùng mắc. Hiện nay đã xảy ra nhiều trường hợp 3-4 người trong gia đình cùng bị nhiễm siêu vi hô hấp, đặc biệt là một số trường mầm non và tiểu học.
Trường hợp bệnh nhân sốt liên tục quá 7 ngày hoặc sốt dai dẳng thì không còn đơn thuần là nhiễm siêu vi thông thường mà do nhiều bệnh lý khác: bệnh lý về máu, lao, bệnh nhiễm trùng mãn tính, HIV… Theo bác sĩ Trường, sốt kéo dài hơn 1 tuần là bệnh rất khó chẩn đoán. Một số ít cơ sở y tế tại thành phố có phòng xét nghiệm chuyên môn sâu và trang thiết bị hiện đại mới đủ sức tìm ra nguyên nhân. Nhưng cũng không phải tất cả các trường hợp đều có thể chẩn đoán đúng.
Theo các bác sĩ, trường hợp bệnh sốt cao kéo dài quá 3-5 ngày không giảm thì nên đến khám tại các cơ sở y tế. Phần lớn các bệnh nhiễm siêu vi đều lây, do đó, hạn chế tiếp xúc và chủ động phòng ngừa bệnh là biện pháp tốt nhất.
TRƯƠNG NGỌC
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nhiễm siêu vi đường hô hấp có khả năng lây từ người bệnh sang người lành ở khoảng cách 0,5m. |