
Chỉ trong phút chốc, toàn bộ tài sản hơn 1 tỷ đồng mà gia đình gầy dựng trong suốt hơn 20 năm đã đi theo con vịt. “Cú” ấy đau quá nhưng người nông dân Bùi Văn Qua (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TPHCM) vẫn qua được. Nếu trước đây, ông được biết đến với nghề cung cấp vịt giống thì bây giờ nổi tiếng với mô hình chăn nuôi chuồng- ao công nghiệp.

Trong buổi lễ tuyên dương nông dân tiêu biểu do Hội Nông dân TPHCM tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, gần 500 đại biểu đã nghe ông tâm sự: “Do ảnh hưởng bởi dịch cúm gia cầm đầu năm 2004, tôi tự nguyện tiêu hủy hơn 20 ngàn con vịt giống và vài chục ngàn trứng vịt đang ấp nở.
Mặc dù đã được hỗ trợ 280 triệu đồng nhưng gia đình tôi vẫn bị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Lúc ấy, không chỉ vấn đề tiền của, việc chuyển nghề mới thật sự khó khăn sau hơn 20 năm “sống chết” với nghề nuôi vịt đẻ, ấp trứng và bán vịt giống”. Trăn trở, vật vã nhưng không đợi qua hết đợt cúm gia cầm, ông đã bắt tay vào việc đầu tư nuôi heo công nghiệp.
Được sự giúp đỡ của Hội Nông dân, Phòng Kinh tế quận 9 và Trạm Khuyến nông, ông đi tham quan nhiều mô hình nuôi heo ở Đồng Nai, Bình Dương. Ông cải tạo chuồng trại vịt thành các trại nuôi heo theo mô hình chuồng-ao trên diện tích 3 ha, trong đó 1,5ha mặt nước và ao hồ. Lứa đầu, nhập nuôi 20 con heo nái, 100 con heo thịt và thả nuôi hàng ngàn cá chép, rô phi, cá hường…
Sau 6 tháng, xuất bán số heo thịt, heo nái đẻ heo con tiếp tục để lại nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn, ông mang sổ đỏ ra “thế” ở Ngân hàng NN-PTNT, vay 1 tỷ đồng xây dựng một cơ sở chế biến thức ăn gia súc. Sau 4 năm, trại heo của gia đình ông thường xuyên có 120 heo nái sinh sản, 800 heo thịt, trung bình mỗi tháng xuất chuồng từ 120 đến 150 con heo thịt (90-100kg/con).
Lượng cá thu hoạch mỗi năm từ các ao hơn 17 tấn, thu nhập hơn 200 triệu đồng. Tổng doanh thu hàng năm của trại heo là 2 tỷ đồng, trừ tất cả chi phí thì lợi nhuận hàng năm khoảng 300 triệu đồng. Vốn vay ngân hàng đã được trả hết trước thời hạn 2 năm. Trại heo còn góp phần giải quyết việc làm cho 12 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/người.
Nói về ông Tư Qua, Chủ tịch Hội Nông dân quận 9 Đỗ Thị Hiệp ngắn gọn: “Một người có ý chí vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Mô hình chăn nuôi chuồng- ao công nghiệp của anh đã được Trung tâm nghiên cứu Khoa học kỹ thuật và Khuyến nông TPHCM chọn làm điểm trình diễn học tập về mô hình nuôi heo sinh sản”. Ông đã được Trung ương Hội Nông dân, UBND quận, thành phố tặng nhiều giấy khen vì mô hình kinh tế VAC có hiệu quả cao và đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” nhiều năm liền.
LÊ LONG