Khó khăn bủa vây Iran

Mới hội nhập trở lại sau hàng thập kỷ chịu các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây liên quan chương trình hạt nhân, nền kinh tế Iran đã phải chịu sức ép lớn từ lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt lên Tehran vào đầu tuần này.

Khó khăn đang bủa vây chính phủ của Tổng thống Hassan Rouhani khi xuất hiện ngày càng nhiều lo ngại về sự suy yếu nhanh của nền kinh tế. Quốc hội Iran đã yêu cầu Tổng thống Rouhani trong vòng 1 tháng phải trình diện trước cơ quan lập pháp, nhằm trả lời chất vấn của các nghị sĩ về cách chính phủ điều hành nền kinh tế. Giới nghị sĩ muốn chất vấn ông Rouhani về việc đồng rial bị mất giá nghiêm trọng, từ tháng 4 cho đến nay tăng trưởng kinh tế yếu và tỷ lệ thất nghiệp tăng... Ông Rouhani cũng phải giải trình về việc tại sao sau 2 năm ký thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế lên nước này, nhưng hiện các ngân hàng của Iran vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính toàn cầu. Đây là lần đầu tiên Quốc hội Iran triệu tập Tổng thống Rouhani trong bối cảnh xã hội bức xúc trước tình hình kinh tế sa sút. 

Từ đầu năm nay, biểu tình đã nổ ra ở Iran nhằm phản đối tình trạng giá cả tăng cao, thiếu nước, thiếu điện và các cáo buộc tham nhũng ở nước này. Trong tháng 7, làn sóng tuần hành tiếp tục diễn ra ở nhiều thành phố trên khắp cả nước nhằm phản đối tình trạng lạm phát do sự suy yếu của đồng rial. Giới chuyên gia cho rằng lạm phát và cuộc khủng hoảng USD sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo ở Iran cũng như tăng nạn đói và làn sóng tăng giá. Nếu không thể kiểm soát  tình hình hiện nay, người dân sẽ mất dần niềm tin vào chính phủ. Hậu quả của một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng có thể sẽ đẩy Iran phải đối mặt với bất kỳ cuộc biểu tình bạo lực trong tương lai.

Nhằm trấn an dư luận, Tổng thống Rouhani tuyên bố nền kinh tế Iran vẫn đủ khả năng chống chọi với các lệnh trừng phạt. Trong trường hợp xấu nhất, người dân Iran vẫn sẽ được đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Iran có đủ đường, lúa mì và có đủ ngoại tệ mạnh để bơm vào thị trường. Dưới một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng nếu biết cách điều chỉnh và tranh thủ sự ủng hộ từ đối tác, nền kinh tế của Iran sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn bởi nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước châu Âu, Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục hợp tác với Iran, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hợp tác kinh tế trong tương lai của Iran. Liên minh châu Âu đang khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường kinh doanh với Iran vì quốc gia này đã tuân thủ các cam kết hạt nhân. Theo thống kê từ Cục Hải quan Iran, trao đổi thương mại của nước này với 11 quốc gia châu Âu vượt quá 3,1 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm nay, chiếm 27,6% tổng xuất khẩu của Iran. 

Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt lên Iran chỉ được xem là bước dạo đầu. Mỹ đang lên kế hoạch tái áp đặt thêm nhiều biện pháp mạnh tay hơn đối với Iran, cụ thể là nhắm vào hoạt động xuất khẩu dầu, dự kiến bắt đầu vào tháng 11 tới. Chính phủ Iran sẽ chạy đua với thời gian, hành động quyết liệt nhằm cải thiện chỉ số kinh tế, đối phó với một lệnh trừng phạt mới cũng như xoay xở với lệnh trừng phạt vừa áp đặt.

Tin cùng chuyên mục