Khó kiểm soát chương trình nghệ thuật, cuộc thi sắc đẹp

UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Bộ VH-TT-DL về những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn TPHCM khi áp dụng Nghị định số 144.

Ngày 14-12-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-2-2021. Ngày 29-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-6-2021.

Qua thời gian triển khai thực hiện, UBND TPHCM báo cáo còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật và các cuộc thi sắc đẹp trên địa bàn để Bộ VH-TT-DL có hướng xem xét, nghiên cứu, hướng dẫn việc triển khai thực hiện.

Cụ thể, một số nội dung quy định tại Nghị định số 144 cần được hướng dẫn cụ thể hơn để tạo sự thống nhất trong việc tổ chức thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Theo UBND TPHCM, trên thực tế, có một số chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện dưới hình thức xã hội hóa (không sử dụng ngân sách) với quy mô tổ chức là sự kiện lễ hội cấp thành phố; thành phần tham gia biểu diễn chuyên nghiệp. Những chương trình này chỉ gửi thông báo đến UBND quận, huyện. Với quy mô, phương thức thực hiện như vậy, đơn vị tổ chức chương trình thực hiện thủ tục thông báo chưa phù hợp.

Tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 16 quy định về thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu là do UBND cấp tỉnh nơi tổ chức cuộc thi. Nhưng trên thực tế, hầu như các cuộc thi người đẹp đều tổ chức thành nhiều vòng thi và diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau.

Trước đây, các cuộc thi người đẹp cấp toàn quốc, khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép, ban tổ chức cuộc thi gửi thông báo đến các địa phương có diễn ra các vòng thi. Tuy nhiên, theo quy định hiện nay tại Nghị định 144, thẩm quyền thuộc về UBND các tỉnh, thành phố, trong khi Nghị định chưa quy định cụ thể về việc chấp thuận cho tổ chức vòng thi hoặc cuộc thi. Do đó, UBND TPHCM đề nghị Bộ VH-TT-DL hướng dẫn cụ thể hơn để các địa phương áp dụng thi hành.

Qua thời gian triển khai thực hiện Nghị định số 38, theo UBND TPHCM, có một số nội dung quy định rất khó thực hiện cần được hướng dẫn cụ thể hơn.

Trong thực tế kiểm tra xử lý còn nhiều cách hiểu khác nhau về cụm từ “Phục vụ nội bộ cơ quan và tổ chức”. Mặt khác, nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện chương trình không phải nội bộ, nhiều người tham gia không phải là người của tổ chức đó, nhưng tại thời điểm kiểm tra biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu với sự tham gia của rất nhiều người (vài trăm người) thì không thể kiểm tra, đối chiếu từng cá nhân tham gia biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu có phải là người của nội bộ hay không.

Do vậy, thực tiễn nhiều cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm. Thậm chí có trường hợp cá nhân, tổ chức tập trung đông người cho chương trình biểu diễn nghệ thuật, thi người mẫu, người đẹp nhưng không nhận là có biểu diễn nghệ thuật, có thi người mẫu, người đẹp trong chương trình, sự kiện đó.

Lực lượng kiểm tra chỉ có thể ghi nhận các nội dung, các loại hình nghệ thuật biểu diễn, thi người đẹp, người mẫu để xử phạt, chứ không thể áp dụng biện pháp dừng chương trình, sự kiện lại. Điều này dẫn tới việc biến tướng trong tổ chức biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn, rất khó kiểm soát, ngăn chặn từ ban đầu.

Tin cùng chuyên mục