Khó kiểm soát, xử lý chất thải nguy hại

Lượng chất thải tăng nhanh
Khó kiểm soát, xử lý chất thải nguy hại

Nguyên nhân được lý giải là do các đơn vị có chức năng thu gom và xử lý còn nhỏ lẻ, không đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay. Việc khắc phục tình trạng này chưa có giải pháp nào khả thi. Điều đáng nói là sự chậm trễ trong việc khắc phục thực trạng này đang khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề.

Chưa có giải pháp khắc phục tình trạng thu gom, xử lý chất thải quy mô nhỏ lẻ khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. (Trong ảnh: Thu gom chất thải rắn tại quận Bình Tân). Ảnh: Phạm Cao Minh

Chưa có giải pháp khắc phục tình trạng thu gom, xử lý chất thải quy mô nhỏ lẻ khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. (Trong ảnh: Thu gom chất thải rắn tại quận Bình Tân). Ảnh: Phạm Cao Minh

Lượng chất thải tăng nhanh

Ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện Hội Môi trường đô thị và Khu công nghiệp khu vực miền Nam, cho biết ước tính lượng chất thải công nghiệp phát sinh chiếm khoảng 20% - 25% tổng lượng chất thải sinh hoạt, tùy theo quy mô và cơ cấu công nghiệp của từng tỉnh, thành phố. Trong đó, riêng khu vực phía Nam chiếm hơn 50% tổng lượng chất thải công nghiệp của cả nước. Và riêng TPHCM là tỉnh, thành dẫn đầu cả nước khi chiếm khoảng 31%/tổng lượng chất thải công nghiệp phát sinh. Không dừng lại đó, khu vực phía Nam cũng là nơi có tỷ lệ chất thải nguy hại phát sinh cao nhất với hơn 60%/tổng lượng chất thải nguy hại của cả nước. Và cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa diễn ra nhanh chóng như hiện nay, đến năm 2015, lượng chất thải của cả nước sẽ tăng lên 35 triệu tấn/năm. Trong đó, chất thải rắn đô thị chiếm 51%, chất thải công nghiệp chiếm 22%, chất thải nguy hại chiếm từ 18% - 25%, còn lại là chất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông thôn, y tế… Và khu vực phía Nam vẫn được xác định là khu vực có lượng chất thải phát sinh lớn nhất cả nước.

Không chỉ gia tăng về số lượng, đáng lo ngại hơn là thành phần chất thải đang có sự biến đổi khá lớn, từ chỗ dễ phân hủy sang ít phân hủy hơn, thậm chí nguy hại hơn. Điều này kéo theo đòi hỏi về trình độ công nghệ xử lý chất thải hiện đại hơn. Thế nhưng, ngược lại với tốc độ gia tăng nhanh chóng của lượng chất thải, nội lực đầu tư cho ngành xử lý chất thải đang hết sức “èo uột”. Chỉ có sự tham gia của vài cơ sở sản xuất nhỏ. Hơn nữa, với tư duy đầu tư kinh doanh theo kiểu “ăn xổi, ở thì” đã khiến cho thị trường xử lý, tái chế chất thải đang bị cạnh tranh một cách “méo mó”. Số ít doanh nghiệp đầu tư bài bản, làm ăn chân chính trong lĩnh vực xử lý chất thải đang điêu đứng vì không thể ký được các hợp đồng thu gom chất thải. Còn các cơ sở nhỏ lẻ, không đủ năng lực thì lại sống ung dung. Vậy đâu là lý do tồn tại thực tế này?

Cạnh tranh bằng mọi giá

Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, tại tỉnh này mỗi ngày chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh khoảng hơn 7.000 tấn. Còn chất thải nguy hại khoảng hơn 200 tấn/ngày. Tuy nhiên, với chất thải công nghiệp không nguy hại thì không đáng lo ngại vì phần lớn đều được thu gom tái chế. Trái lại, với chất thải nguy hại thì không được như vậy. Hiện hệ thống thu gom chất thải nguy hại tại tỉnh Bình Dương phụ thuộc 12 đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh và 18 đơn vị đóng trên địa bàn TPHCM. Lợi dụng việc chuyển giao chất thải công nghiệp không nguy hại, nhiều doanh nghiệp ép các đơn vị thu gom phải thu nhận luôn những chất thải công nghiệp có lẫn chất thải nguy hại. Mặt khác, với chất thải nguy hại, đơn vị nào thu nhận, xử lý với giá thấp hơn thì doanh nghiệp xả thải sẽ chuyển giao, bất chấp đơn vị thu gom có đủ năng lực hay không. Điều này đã tạo kẽ hở rất lớn cho những cơ sở nhỏ lẻ không đủ khả năng tiếp nhận và xử lý nhưng vẫn cứ nhận để đổ bậy. Một thực tế khác, hiện có nhiều doanh nghiệp, thậm chí là cơ sở thu gom chất thải thường trộn lẫn chất thải nguy hại với rác thải sinh hoạt và chuyển giao lại cho các công ty công ích chuyên thu gom chất thải rắn đô thị. Điều này khiến cho lượng lớn chất thải nguy hại đổ tràn lan ra môi trường, không thể kiểm soát được.

Đại diện Viện Tài nguyên và Môi trường cho biết, các công nghệ sử dụng xử lý chất thải hiện có của cả nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng, phần lớn chưa thật sự hiện đại. Chủ yếu sử dụng các công nghệ đa dụng cho nhiều loại chất thải nguy hại và thường ở quy mô nhỏ, chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu xử lý chất thải nguy hại. Các đơn vị hành nghề xử lý chất thải nguy hại là những công ty công ích tại địa phương hoặc các đơn vị tư nhân nên quy mô đầu tư công nghệ không đồng đều, dẫn đến việc cạnh tranh chưa thật sự công bằng. Các đơn vị cạnh tranh giành giật thị trường bằng mọi giá, điều này có thể dẫn đến việc xử lý không tuân thủ theo đúng giấy phép hành nghề quy định, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường. Mặt khác, quy định pháp lý hiện nay tuy chặt chẽ nhưng công tác giám sát thực hiện chưa đi vào chiều sâu, đặc biệt đối với những đơn vị hành nghề xử lý dẫn đến việc thực hiện ở một số đơn vị mang tính chất đối phó. Ngoài ra, cho đến nay vẫn chưa có quy định về quản lý chất thải công nghiệp không nguy hại, nhất là bùn thải nên đang xuất hiện xu hướng chuyển mã bùn thải từ nguy hại thành không nguy hại của các chủ nguồn thải nhằm giảm nhẹ chi phí xử lý.

Theo GS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, để có thể nâng cao hiệu quả quản lý cũng như xử lý chất thải nói chung, cần chuẩn hóa công nghệ xử lý chất thải hiện nay, đảm bảo tiêu chuẩn Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở để các doanh nghiệp nói chung trang bị hệ thống xử lý chất thải cho mình. Cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các đơn vị hành nghề quản lý chất thải nguy hại; xây dựng khung pháp lý từng bước quy định giá sàn xử lý các nhóm chất thải, nhất là đối với chất thải nguy hại nhằm buộc các đơn vị hành nghề phải xử lý triệt để lượng chất thải, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục