Trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ở đâu trước thực trạng người dân quá gian nan, vất vả khi mua vé tàu tết và làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho người dân, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng về vấn đề này.
- Phóng viên: Mặc dù đã được chuẩn bị rất kỹ nhưng công tác bán vé tàu tết vẫn có những trục trặc và người dân vẫn rất gian nan để có được tấm vé tàu tết về quê. Bộ GTVT có lường trước tình trạng này?
>> Thứ trưởng LÊ MẠNH HÙNG: Ngay từ giữa năm 2012, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) sớm xây dựng phương án phục vụ vận tải tết theo hướng giảm phiền hà, tạo thuận lợi tối đa nhất trong khả năng có thể để phục vụ nhu cầu mua vé tàu tết năm 2013 của nhân dân, đặc biệt ở 2 đầu mối giao thông lớn là Hà Nội và TPHCM.
Trước đó, Thanh tra Bộ GTVT đã thanh tra công tác bán vé tàu tết của Tổng công ty ĐSVN. Kết quả đã tìm ra những bất cập trong việc tổ chức bán vé như năng lực kỹ thuật của hệ thống website kém, dễ bị quá tải khi lượng người truy cập tăng mạnh, chưa kiểm soát được các tài khoản ảo, hình thức bán vé đối ngoại dễ bị cò vé lợi dụng… Những bất cập đó đã được Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan liên quan sớm có giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, việc triển khai đặt chỗ mua vé tàu Tết Quý Tỵ qua website trong ngày đầu tiên vẫn có trục trặc như nghẽn mạng cục bộ do cung cầu chênh lệch quá lớn và do hacker.
- Nhưng tại thời điểm này, vẫn còn rất nhiều người dân phàn nàn về việc đã xếp hàng, nhắn tin mua vé tàu nhưng kết quả là tiền mất mà vé vẫn không mua được?
Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng công ty ĐSVN giao tổng giám đốc các công ty vận tải hành khách chủ động xây dựng phương án phục vụ hành khách, đảm bảo hạn chế tối đa các vấn đề bất cập. Tuy nhiên, dù với bất kỳ hình thức nào thì ở một số thời điểm nhất định, khi nhu cầu tăng quá mạnh cũng dẫn đến quá tải cục bộ khiến nhiều người dân nhất thời không mua được vé.
- Theo ông, làm thế nào để giải quyết được tình trạng khó mua vé tàu tết hiện nay?
Có 3 nguyên nhân khiến tình trạng khó mua vé tàu vào mỗi dịp cuối năm.
Một là do nguồn lực đầu tư có hạn nên hạ tầng và năng lực vận chuyển của ngành đường sắt trong những năm qua còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu phát triển của xã hội. Bộ GTVT đang triển khai nhiều dự án để tăng năng lực của ngành đường sắt và sử dụng hợp lý các phương thức vận tải tuyến Bắc – Nam gắn liền với phân bổ lại quy hoạch các cụm đô thị, khu công nghiệp. Đây là vấn đề lớn nằm trong chiến lược phát triển vận tải mà Bộ GTVT sẽ phải giải quyết trong giai đoạn từ nay tới năm 2020.
Nguyên nhân thứ hai chúng ta phải thừa nhận là dù ngành đường sắt đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai phương án phục vụ vận tải tết tối ưu, trong đó có việc thử nghiệm, áp dụng nhiều hình thức bán vé nhưng kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đây là vấn đề cần phải sớm khắc phục trong thời gian tới.
Nguyên nhân thứ ba là nhu cầu về tàu khách vào dịp Tết Âm lịch thường tăng đột biến, gấp nhiều lần năng lực chuyên chở thực tế của ngành đường sắt, lại thường dồn vào trong vài ngày cuối năm. Đây là vấn đề chung của các lĩnh vực vận tải nhưng riêng với đường sắt do mức vé tương đối phù hợp với đại đa số người dân nên áp lực nặng nề hơn.
Cần phải nói thêm rằng, ngay cả một số nước trong khu vực có tập quán ăn Tết Âm lịch, dù năng lực vận tải đường sắt tiên tiến cũng gặp rất nhiều khó khăn trong giải quyết bài toán vé tàu tết. Chính vì vậy, vấn đề cốt yếu để giải quyết tình trạng quá tải tàu tết, cùng với việc sớm xử lý dứt điểm 3 vấn đề nêu trên, Bộ GTVT kêu gọi người dân cùng chung tay với ngành đường sắt bằng việc sớm có kế hoạch di chuyển trong dịp tết, tránh dồn việc mua vé và đi lại trong một số ngày như hiện nay.
Bích Quyên