Khó tiếp cận vốn từ chương trình kích cầu

Chương trình kích cầu theo Quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 28-5-2011 của UBND TPHCM (QĐ 33) được xem là cách làm năng động, sáng tạo của TPHCM để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn rất ít các DN tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này vì nhiều nguyên nhân.
Khó tiếp cận vốn từ chương trình kích cầu

Chương trình kích cầu theo Quyết định 33/2011/QĐ-UBND ngày 28-5-2011 của UBND TPHCM (QĐ 33) được xem là cách làm năng động, sáng tạo của TPHCM để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn rất ít các DN tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này vì nhiều nguyên nhân.

Ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đang rất cần hỗ trợ vốn vay từ chương trình kích cầu. Ảnh: CAO THĂNG

Ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ xuất khẩu đang rất cần hỗ trợ vốn vay từ chương trình kích cầu. Ảnh: CAO THĂNG

Có thể vay vốn với lãi suất 0%

Để thực hiện hiệu quả chương trình chuyển dịch mô hình cơ cấu kinh tế TPHCM theo hướng có hàm lượng chất xám ngày càng cao, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, ngay từ năm 2000 TPHCM đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình hành động thiết thực.

Trong đó, chương trình kích cầu thông qua đầu tư theo QĐ 33 tại TPHCM được xem như chương trình trọng tâm hỗ trợ tốt nhất cho các DN trong quá trình thực hiện chuyển dịch. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFiC), trực thuộc UBND TPHCM là một trong những đơn vị có nhiệm vụ thẩm định và cung cấp vốn vay giá rẻ cho các DN.

Theo ông Diệp Dũng, Tổng Giám đốc HFiC, đối tượng được vay theo chương trình của công ty là tất cả các pháp nhân kinh tế trong nước có dự án đầu tư tại TPHCM. Thậm chí, các dự án đầu tư sang các nước trong khu vực như Lào và Campuchia do DN tại TPHCM triển khai theo đúng định hướng cũng được hỗ trợ cho vay. Hiện có hai mức hỗ trợ DN là 100% lãi suất và 50% lãi suất.

Những dự án đầu tư, sản xuất công nghệ cao, cơ khí điện tử, đầu tư máy móc cơ khí điện tử, sử dụng công nghệ mới, dự án xây dựng ký túc xá cho sinh viên; xây dựng, xử lý chất thải tại các bệnh viện, KCN được hỗ trợ 100% lãi vay. Các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, dự án đầu tư nội địa hóa lắp rắp ô tô, đầu tư sản xuất các loại động cơ, đổi mới thiết bị công nghệ cho các ngành vật liệu mới… được hỗ trợ 50% lãi suất.
 
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng cho biết, chương trình kích cầu đầu tư thông qua QĐ 33 được thực hiện xuyên suốt nhằm hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đổi mới công nghệ, tăng cường đầu tư. Với cách làm này, TPHCM sẽ từng bước xây dựng được một đội ngũ DN có đủ sức cung ứng lượng hàng hóa lớn cho thị trường TP và hướng đến xuất khẩu.

Ngay như chương trình bình ổn giá, TP cũng sẽ giảm dần mức vốn hỗ trợ và hướng DN đến một cơ chế mới theo QĐ 33. Với quyết định này, nếu DN có những dự án đầu tư khả thi và phù hợp với quy định sẽ được TP hỗ trợ một phần lãi suất. Về lâu dài, TP hướng tới việc chuyển dần sang hỗ trợ cho sản xuất chứ không hỗ trợ trong khâu lưu thông.
 
Tiếp cận không dễ

Theo nhận định của nhiều DN, việc TPHCM thực hiện chương trình kích cầu đầu tư thông qua QĐ 33 là một cách làm nhạy bén, phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhưng từ chính sách đi vào cuộc sống thì luôn có những khoảng cách nhất định.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để tiếp cận nguồn vốn vay. Ảnh: Diễm Thy

Doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để tiếp cận nguồn vốn vay. Ảnh: Diễm Thy

Ông Huỳnh Văn Hải, Giám đốc Công ty Sản xuất công nghệ thực phẩm Bảo Long, cho biết sau hơn 10 năm nghiên cứu, Bảo Long đã hoàn tất dự án sản xuất mặt hàng nước cốt tinh gà ác nhân sâm. Đây là sản phẩm chất lượng cao, có hàm lượng axít amin rất cao nhưng giá bán thấp hơn nhiều so với hàng ngoại nhập.

Để sản xuất được loại sản phẩm mới này, Bảo Long cần có 6 tỷ đồng để đầu tư công nghệ, dây chuyền thiết bị. Trên thực tế, công ty đã có hơn 4 tỷ đồng, số vốn còn thiếu phải đi vay. Tuy nhiên, sau nhiều lần tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi không thành, công ty đành bỏ cuộc.

Theo ông Hải, xét theo tiêu chí từ chương trình thì dự án của Bảo Long sẽ được vay vốn nhưng khi công ty gửi dự án đến các cơ quan chức năng để vay thì họ yêu cầu phải có bảo lãnh tín dụng hoặc tài sản thế chấp.

“Nếu DN đủ tài sản thế chấp thì tôi đã đi vay ngân hàng cho nhanh chứ đâu cần chờ đến cả năm trời! Nếu DN có dự án tốt, sử dụng nguyên liệu trong nước và có thị trường tiêu thụ rộng rãi thì cần mạnh dạn cho họ vay. Bằng không, QĐ 33 sẽ kéo DN vào vòng luẩn quẩn là thế chấp, bảo lãnh tín dụng, trong khi DN thiếu vốn vẫn hoàn thiếu vốn! Nếu chúng ta cứ duy trì những tiêu chí cứng nhắc thì từ QĐ 20 và nay là QĐ 33 sẽ không có sự tiến bộ”, ông Hải bức xúc.

Nhận định về tính khả thi của QĐ 33, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (Huba) cho rằng, hiện chỉ có một số rất ít các DN của hiệp hội tiếp cận được nguồn vốn này. Với những tiêu chí đưa ra quá chặt chẽ thì đại đa số các DNNVV của TP sẽ rất khó đáp ứng được.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Huba cũng chỉ ra rằng, ngoài những nguyên nhân khiến việc tiếp cận vốn kích cầu theo QĐ 33 còn hạn chế như: chương trình chưa được phổ biến rộng rãi, các DN không biết lập dự án để xin vay (trong khi HFiC có hẳn một công ty tư vấn các dự án)… thì hạn xét duyệt hồ sơ cũng là trở ngại lớn cho DN cần vốn.

“Việc xét duyệt hồ sơ đầu tiên phải qua HFiC thẩm định, sau đó còn trình các ban ngành, đoàn thể của TP. Mặc dù đã có quy định, sau 7 ngày mà các bộ phận liên quan không trả lời là coi như đồng ý, nhưng nói thì nói vậy nhưng cũng chưa thực hiện được. Sau 7 ngày mà các đơn vị xét duyệt chưa trả lời thì DN cũng vẫn phải chờ! Thời gian chờ đợi quá lâu khiến DN nản lòng, đồng thời làm mất đi cơ hội đầu tư”, ông Hưng nói.

Đại diện Hiệp hội DN TPHCM cũng kiến nghị với TP và các cơ quan ban ngành nên có quy định, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về đối tượng, mức hỗ trợ, quy trình xét duyệt, yêu cầu về hồ sơ cần thiết, thông tin về cơ quan tiếp nhận hồ sơ, người liên hệ… TP cần tính toán đến mức hỗ trợ lãi vay giữa các ngành cho phù hợp và công bằng. Chẳng hạn, ngành cơ khí chính xác mang tính chất đầu nguồn nhưng mức hỗ trợ 50% lãi suất là chưa thỏa đáng so với những ngành được hỗ trợ 100% lãi suất.

Theo đó, TP cũng nghiên cứu huy động thêm nguồn vốn để hỗ trợ DN. Hiện nguồn vốn cho chương trình kích cầu tại TPHCM chỉ dừng ở mức 8.000 tỷ đồng và đã hỗ trợ khoảng 170 dự án nên số tiền còn lại cũng rất hạn chế và sẽ chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu cấp bách của DN.

Thúy Hải

Tin cùng chuyên mục