Cuối năm, cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, ban ngành lại khổ với bình bầu, thi đua, chạy chỉ tiêu để đạt thành tích. Nhiều đơn vị đặt ra các chỉ tiêu thi đua cao chót vót để rồi phải thực hiện đối phó.
Ngành thuế, hải quan là những ngành bị các doanh nghiệp “kêu” nhiều nhất. Các ngành này “phát triển” bằng cách đặt ra chỉ tiêu thi đua là mỗi cán bộ công chức mỗi năm phải có một sáng kiến. Cuối năm, cán bộ nào cũng… khổ với sáng kiến. Đến kỳ đánh giá thi đua, người người ngồi “nặn vẽ” ra sáng kiến để đáp ứng yêu cầu. Có nhân viên suốt năm tiếp dân, ngồi một chỗ, hướng dẫn viết đơn, đọc đơn, phân loại… nhưng cuối năm muốn đạt thành tích thi đua phải viết sáng kiến; có chị làm kế toán suốt ngày chăm bẵm với con số không có gì mới nhưng cuối năm cũng phải nặn ra sáng kiến! Đã từng có chuyện lãnh đạo không có sáng kiến, sợ bị ảnh hưởng phong trào thi đua chung của đơn vị nên phải “ké” tên mình trong công trình sáng kiến của cấp dưới để rồi dẫn đến kiện tụng. Các sáng kiến theo kế hoạch chỉ tiêu cứ thế tuôn ra, mỗi ngành có chục ngàn cán bộ là mỗi năm có chục ngàn cái sáng kiến. Câu hỏi đặt ra là sáng kiến nhiều thế sao không cải thiện, giảm bớt áp lực cho dân và doanh nghiệp: hồ sơ vẫn phức tạp, thủ tục vẫn rườm rà, nhiêu khê…
Rồi năm nay ngành thuế đặt ra chỉ tiêu phải đạt 90% số lượng doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Trong khi trên thực tế, hàng năm chỉ có chưa tới 50% doanh nghiệp làm ăn có lãi để nộp thuế, vậy 40% kia không có nhu cầu thì tại sao buộc họ phải đăng ký nộp thuế điện tử gấp trong năm nay (?!). Rõ ràng, việc bắt những doanh nghiệp không có số thuế để nộp phải đăng ký gấp, đăng ký ngay là nhằm mục đích đạt chỉ tiêu cấp trên giao mà thôi! Nhiều doanh nghiệp phản ánh, cuối năm phải tất bật với kinh doanh, buôn bán thì bị cơ quan thuế kêu gọi liên tục, gần như buộc phải… đăng ký nộp thuế điện tử! Chỉ tiêu thi đua của ngành thuế là chuyện của ngành, thế nhưng vì việc này mà doanh nghiệp phải gánh chịu nỗi khổ không biết kêu ai!
HÀN NI