Khoa học công nghệ phải được đầu tư lớn, không thể “tay không bắt giặc”

Chiều 15-3, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức giám sát việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 tại Sở KH-CN.

Đoàn giám sát có sự tham gia của các ĐBQH: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM. Trưởng đoàn giám sát là ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Tại buổi giám sát, các ĐB trong đoàn đặt nhiều câu hỏi về hiệu quả quỹ phát triển khoa học công nghệ; về ứng dụng, chuyển giao các công trình nghiên cứu khoa học thay vì “cất tủ”…

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng cho biết, 2,14% GRDP TPHCM đầu tư cho khoa học công nghệ là tỷ lệ cao hơn so với mức luật quy định (2%), nhưng thực tế số kinh phí này không chỉ chi cho khoa học công nghệ mà còn nhiều đầu mối công việc khác. Mặt khác, trong cơ cấu chi cũng chỉ có khoảng 7% là chi cho nghiên cứu khoa học. Đây là tỷ lệ rất thấp so với các nước. Theo ông, khoa học công nghệ phải được đầu tư lớn, không thể “tay không bắt giặc”.

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Liên quan việc chuyển giao, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc của Luật Quản lý tài sản công. Việc định giá các kết quả công trình nghiên cứu không dễ, vì nó là những tài sản vô hình.

Tại buổi giám sát, các ĐB cũng đặt vấn đề khi đi giám sát ở các đơn vị khác, đoàn nhận thấy nhiều đơn vị chưa sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học công nghệ. Theo quy định, các doanh nghiệp trích đến 10% thu nhập tính thuế để lập quỹ, nhưng lại không sử dụng được.

Về việc này, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện TPHCM có 124 doanh nghiệp đã lập được quỹ, trong đó có 79 doanh nghiệp nhà nước (theo quy định là bắt buộc), với tổng số tiền là hơn 4.274 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp mới chỉ chi sử dụng hơn 1.123 tỷ đồng (26% tiền quỹ).

“Tức là không hiệu quả, trích ra để đó không biết làm gì. Sở đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa có thay đổi về quy định”, ông Dũng nói và cho biết việc quy định chi quỹ không khả thi, các doanh nghiệp khó thực hiện.

Kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Sở với chức năng của mình, nỗ lực để TPHCM phát huy vốn mồi ngân sách để phát triển khoa học công nghệ.

Về những khó khăn vướng mắc từ những quy định trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Sở tiếp tục đề xuất sửa đổi các chính sách chưa phù hợp.

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2,14% tổng chi ngân sách TPHCM. Năm 2021 kinh phí nghiên cứu khoa học là hơn 177 tỷ đồng.

Thời gian qua, TPHCM tiếp tục đổi mới hoạt động, triển khai thực hiện sắp xếp, bố trí hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, xây dựng và vận hành hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ với 38 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện tham gia. Đến nay, trên địa bàn TPHCM có trên 314 tổ chức khoa học và công nghệ, 109 trường đại học - cao đẳng, 279 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa, sinh học, xây dựng, y tế, cơ, dược, điện- điện tử; 19.947 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Tin cùng chuyên mục