Khối cơ quan Trung ương: 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội

ông Nguyễn Hòa Bình
Khối cơ quan Trung ương: 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội

(SGGPO). - Ngày 17-3, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  tổ chức hội  nghị Hiệp thương lần thứ 2 bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14.  

Quang cảnh hội nghị hiệp thương lần thứ hai

Tiếp thu nhiều ý kiến từ hội nghị hiệp thương lần 1

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, ngày 23-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu một số nội dung trên cơ sở kiến nghị của hội nghị hiệp thương lần thứ nhất như: tăng số lượng các dân tộc thiểu số có người được ứng cử ĐBQH; tăng tỷ lệ người ngoài Đảng; quan tâm lãnh đạo bảo đảm tỷ lệ nữ; phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần tôn giáo ở các địa phương; giảm đại biểu khối hành pháp; quan tâm tăng số ĐBQH đại diện cho lĩnh vực kinh tế. Ngày 23-2, UBTVQH đã có văn bản phúc đáp các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tiếp thu một số nội dung.

Thứ nhất, trong số lượng dân tộc các dân tộc thiểu số dự kiến được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV có 2 dân tộc mới là Brâu và Chứt (đều là những dân tộc mà một số khóa Quốc hội gần đây không có đại biểu). Thứ hai, UBTVQH  ã phân bổ khoảng 35 đại biểu là người ngoài đảng ở địa phương. Đây là con số tối thiểu dự kiến trên cơ sở cân nhắc, tính toán kết hợp với cơ cấu định hướng và cơ cấu hướng dẫn, ngoài ra sẽ có những người ngoài đảng tự ứng cử, nếu đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ sung ở các Hội nghị hiệp thương tiếp theo. UBTVQH  sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan và các địa phương trong công tác bầu cử phấn đấu đạt tỷ lệ phụ nữ trúng cử không dưới 30% như đề nghị. Điều chỉnh 1 cơ cấu Tôn giáo cho phù hợp (đưa ĐBQH dự kiến đại diện tôn giáo Cao Đài từ tỉnh An Giang về tỉnh Kiên Giang), đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phân bổ 1 đại biểu Phật giáo cho thành phố Hà Nội theo đề nghị của MTTQ thành phố Hà Nội, trong số cơ cấu đại biểu của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Đặc biệt, ở địa phương, khối Quân đội, Công an đã giảm 3 đại biểu so với khóa XIII; điều chỉnh tăng 1 đại biểu ở khối doanh nghiệp, ngoài ra đã phân bổ 4 cơ cấu cho các Hiệp hội, trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và sẽ còn có những đại biểu tự ứng cử là doanh nghiệp, nếu trúng cử thì cũng sẽ làm tăng số lượng đại biểu là doanh nghiệp trong Quốc hội khóa XIV… Như vậy, hầu hết kiến nghị của Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã được tiếp thu. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham gia hội nghị hiệp thương

“Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai là một trong những nội dung quan trọng của quá trình chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa 14. Tại hội nghị, các đại biểu lập danh sách sơ bộ những người do cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH đáp ứng các quy định của Luật bầu cử Quốc hội và Luật Hội đồng nhân dân. Cho ý kiến về công tác tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú với người được cơ quan tổ chức ở Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa 14”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nêu.

Sau hội nghị hiệp thương, việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú được tiến hành từ ngày 20-3 đến ngày 12-4.

Khối cơ quan Trung ương giới thiệu 197 người ứng cử ĐBQH

Đáng chú ý, theo ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBTVQH đã có Nghị quyết số 1153/2016/ UBTVQH; Hội đồng bầu cử quốc gia cũng đã có ý kiến về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH. Trên cơ sở đó, khối các cơ quan Trung ương đã tiến hành giới thiệu người ứng cử. Tổng số đại biểu của khối cơ quan Trung ương được phân bổ ứng cử ĐBQH khóa 14 là 198 đại biểu.  Đến nay, các cơ quan đã giới thiệu là 197 ĐB, thiếu 1 người.Vì vậy, hội nghị hiệp thương lần 2 chỉ hiệp thương 197 người.

Các ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam tham gia hội nghị hiệp thương

Trong đó, các cơ quan Đảng được phân bổ 11 ĐB thì đã giới thiệu 12 người; cơ quan Chủ tịch nước và cơ quan tư pháp (trong đó có Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao) được phân bổ 5 ĐB giới thiệu đủ 5 người; Cơ quan Quốc hội (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) được phân bổ 114 ĐB nhưng chỉ giới thiệu 113 người, thiếu 1 người; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ được phân bổ 18 ĐB  nhưng  chỉ giới thiệu 17 người, thiếu 1  người; Bộ Quốc phòng được phân bổ 15 ĐB và đã giới thiệu đủ 15 người;  Bộ Công an được giới thiệu 3 ĐB và đã giới thiệu đủ 3 người; Kiểm toán Nhà nước cũng đã giới thiệu đủ 1 ĐB theo phân bổ; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  và các tổ chức thành viên được phân bổ 31 ĐB và đã giới thiệu đủ 31 người.

Qua tổng hợp biên bản hội nghị cử tri nơi công tác của 197 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa 14, có 192 người được cử tri tín nhiệm 100%; 5 người được tín nhiệm từ 97,6% đến 99,3%. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kết luận, hồ sơ của 197 người được giới thiệu đáp ứng các quy định của pháp luật về giới thiệu người ứng cử ĐBQH khóa 14.

Trong danh sách 197 người do các khối các cơ quan Trung ương giới thiệu, khối Đảng 12 người, gồm:  ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Phạm Minh Chính,  Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức TƯ; ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực  Ban Bí thư; Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Dân vận TƯ;  ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng TƯ Đảng;  ông Hoàng Bình  Quân, Trưởng ban Đối ngoại TƯ; ông Thào Xuân Sùng, Phó trưởng Ban Dân vận TƯ; ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhá báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ; ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban Nội chính TƯ; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; ông Trần Quốc Vượng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ.

Khối Chủ tịch nước có ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện KSNDTC; ông Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chánh văn phòng TƯ Đảng; ông Lê Minh Trí, Phó Trưởng ban Nội chính TƯ; ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.

Chính phủ có 17 người: ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Phan Thanh Bình, Giám đốc  ĐHQG TPHCM; ông Trương Hòa Bình, Chánh án TANDTC; ông Đỗ Văn Chiến, Thứ trưởng-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT; ông Đào Ngọc Dung, Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan TƯ; ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT; ông Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ TN-MT; ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế TƯ; ông Lê Thành Long, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Phạm Bình Minh;Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Trương Quang Nghĩa, Phó trưởng ban Kinh tế TƯ; ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQG Hà Nội; ông Nguyễn Xuân Phúc Phó Thủ tướng; ông Lê Vĩnh Tân, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Bộ VH-TT và DL…

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục