Thời gian qua, Ban Quản lý dự án đã chọn được 12 doanh nghiệp để tài trợ thực hiện sáng kiến, hoặc ý tưởng kinh doanh mới với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển doanh nghiệp tại địa phương.
Góp sức
Dự án phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện từ tháng 6-2014 và kéo dài đến tháng 9-2018, bao gồm ba hợp phần: Xây dựng và thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển DN nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng; Xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa tại 18 xã, thị trấn thuộc 5 huyện Long Phú, Cù Lao Dung, Kế Sách, Mỹ Xuyên và Trần Đề; Xây dựng năng lực quản lý công trong hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa.
Cụ thể, về hợp phần xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án đã đầu tư tại xã Ba Trinh (huyện Kế Sách) 2 cây cầu và nâng cấp tuyến đường chính vào trung tâm xã, giúp địa phương kết nối và tạo sự đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho xã vùng căn cứ kháng chiến cũ.
Đoàn đánh giá của Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada tiếp xúc với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Sóc Trăng
Đặc biệt, Ba Trinh là xã có địa bàn rộng, kênh ngòi chằng chịt, việc xây dựng các công trình giao thông nông thôn luôn gặp khó khăn vì kinh phí đầu tư còn hạn chế. Do vậy việc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng cho xã còn mang ý nghĩa thiết thực giúp địa phương ngày thêm phát triển.
Ông Võ Hoàng Long, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Trinh, cho biết: “Được dự án Canada hỗ trợ xây dựng tuyến cầu đường về trung tâm xã đã giúp bà con đến xã làm các thủ tục hành chính được dễ dàng và nhanh chóng hơn, học sinh đến trường và giao thương hàng hóa rất thuận lợi. Từ khi có tuyến lộ về trung tâm xã, tốc độ mua bán của các cơ sở và DN trên địa bàn cũng tăng doanh thu nhiều hơn”.
Đối với hợp phần phát triển DN, dự án đã tài trợ cho Công ty TNHH MTV Thiên Vạn Tường (huyện Kế Sách) hơn 329 triệu đồng để DN thực hiện sáng kiến “Mô hình liên kết sản xuất nấm bào ngư xám và đa dạng hóa sản phẩm đầu ra để mở rộng thị trường”.
DN đã hoàn thành sáng kiến vào tháng 9-2016. Ngoài ra, DN đã đầu tư xây dựng thêm một trại trồng nấm bào ngư xám, nâng tổng số trại trồng nấm lên 13 trại. Tổng năng suất nấm bào ngư xám do DN tự sản xuất đạt trung bình 200kg/ngày; tiếp tục mở rộng liên kết với nông dân trên địa bàn các huyện Kế Sách, Châu Thành, Mỹ Tú để phát triển mô hình trồng nấm bào ngư xám và nấm linh chi.
Hiện tại, DN đã có 30 mô hình trồng nấm của nông dân được DN liên kết, cung cấp trung bình 3.500 bịch phôi/mô hình; mỗi mô hình có sự tham gia từ 5-7 hộ nông dân. Từ tháng 12-2016, sản phẩm nấm bào ngư xám tươi của DN đã đáp ứng được yêu cầu của hệ thống Co-opMart và đã được đưa vào hệ thống bán hàng của siêu thị Co-opMart thành công tại TP Cần Thơ, thị xã Ngã Bảy và TP Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiên Vạn Tường, cho biết: “Từ khi DN chúng tôi tiếp cận được dự án DN nhỏ và vừa thì nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, giúp chúng tôi tăng lợi nhuận thêm trên 30%. Ngoài ra, chúng tôi còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh. Hướng tới, chúng tôi sẽ mở ra xưởng chế biến nấm để tạo việc làm cho người dân địa phương”.
Hiệu quả thiết thực
Theo đánh giá của đoàn công tác, những hỗ trợ của dự án từ lúc bắt đầu cho đến hiện tại đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, được địa phương và các DN hưởng lợi đánh giá cao.
Trong quá trình triển khai, Ban quản lý dự án đã hết sức quan tâm đến việc lồng ghép giới, ưu tiên người dân tộc thiểu số tham gia vào dự án. Ngoài ra, nhiều phụ nữ, người dân tộc cũng được bố trí tham gia các lớp học tập kinh nghiệm, lập kế hoạch truyền thông, tài chính, quản lý tài chính công.
Ngoài ra, các hoạt động của dự án đã giúp DN nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của công cụ, cách thức quản trị kinh doanh, 70% DN hưởng lợi khẳng định năng lực cạnh tranh tăng hơn và 69% cho biết trình độ quản lý được cải thiện. Bên cạnh đó, mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ DN do nữ làm chủ cũng được xây dựng năng lực.
Dự án còn hỗ trợ thành lập 2 CLB nữ doanh nhân, hỗ trợ đối thoại giữa các nữ DN và các đơn vị chức năng và tăng cường sử dụng biện pháp sinh học trong việc nâng cấp chuỗi giá trị hành tím và gạo ST. Năm 2017-2018, dự án có tổng ngân sách trên 56 tỷ 300 triệu đồng tập trung vào các nhóm hoạt động và hoạt động trọng tâm thuộc các hợp phần.
Theo ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng, là tỉnh có 1/3 dân số là đồng bào dân tộc Khmer, các DN chủ yếu là nhỏ và vừa nên còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Việc Chính phủ Canada hỗ trợ thực hiện dự án, tỉnh rất trân trọng, từ đó đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt, đảm bảo tính bền vững của dự án sau khi kết thúc.
Cụ thể nhiều mô hình do Canada tài trợ thực hiện như gạo ST, hành tím, bò sữa đang được Sóc Trăng đưa vào đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát triển.
Trong thời gian còn lại, Ban Quản lý dự án và các đối tác, sở ngành sẽ tiếp tục phát huy và tài liệu hóa các kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện dự án, đổi công nghệ, cách thức quản trị mới; nâng cao kỹ năng quản lý cho DN và tay nghề cho người lao động; tăng cường liên kết khu vực tư nhân; nâng cao năng lực xã hội, người dân trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng; cải thiện tiếp cận các công trình cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa; nâng cao năng lực giám sát của HĐND các cấp, năng lực cán bộ các cơ quan liên quan đến hỗ trợ DN.